Cuối năm, nóng chuyện thưởng Tết

08:36, 03/12/2010

Cũng như mọi năm, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo nhanh tình hình tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết năm 2011.

 

Đối với cả người lao động cũng như doanh nghiệp, nhắc đến lương, thưởng Tết ở thời điểm này có vẻ hơi sớm. Tuy nhiên, theo nhiều người lao động (NLĐ), cần phải nhắc đến vấn đề này sớm hơn để tránh tình trạng, nhiều doanh nghiệp cố tình "quên" hoặc thưởng Tết quá lệch so với các đơn vị khác.

 

Theo công văn của Bộ LĐ-TB&XH, trước ngày 20-12, các sở LĐ-TB&XH phải gửi báo cáo tổng hợp tình hình lương và kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Thông tin phải được phân tích và chia nhóm thành các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, báo cáo cũng phải đưa ra được mức lương, thưởng cao nhất, mức trung bình và mức thấp nhất.

 

Còn nhớ, theo báo cáo của các địa phương về tình hình lương, thưởng Tết năm 2010 (Tết Canh Dần), mức thưởng Tết cao nhất trong cả nước được ghi nhận là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bên cạnh mức thưởng ngất ngưởng ấy lại có doanh nghiệp chỉ "quan tâm" đến mức 30 nghìn đồng. Ở Hà Nội, mức thưởng Tết năm 2010 bình quân khoảng 2,3 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 1,8 triệu đồng; doanh nghiệp FDI là 3,3 triệu đồng và doanh nghiệp dân doanh là 1,8 triệu đồng. Mức thưởng Tết cao nhất ở Hà Nội cũng thuộc một doanh nghiệp FDI với mức 337 triệu đồng/người. Còn một số doanh nghiệp dân doanh đưa ra mức thưởng 50 triệu đồng/người.

 

Theo tập quán của người Việt cũng như trong sản xuất, kinh doanh, cuối năm là dịp tổng kết, nhìn lại những thành quả lao động của cả một năm. Đây cũng có thể xem là một dịp ghi nhận những đóng góp của NLĐ trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, các chuyên gia về quan hệ lao động cho rằng, việc thưởng Tết là cần thiết, vừa tạo hưng phấn trong lao động sản xuất, vừa tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong doanh nghiệp. Song, trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã cố tình "quên" hoặc đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thưởng Tết. Chính vì vậy, ngay sau Tết, nhiều doanh nghiệp đã không đủ lao động để hoạt động vì NLĐ không trở lại làm việc.

 

Cũng theo một số chuyên gia về việc làm, hiện tại, mức lương ở các loại hình doanh nghiệp và trong bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đang có sự chênh lệch quá lớn. Nếu tính trung bình, mức lương của công nhân ở các khu công nghiệp tại Hà Nội chỉ đạt từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, lương của một số cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đến cả trăm triệu đồng/tháng. Điều đó có thể dẫn đến mức thưởng Tết cũng có sự chênh lệch quá lớn ngay trong mỗi doanh nghiệp. Các chuyên gia về lao động cũng khuyến cáo, vào dịp cuối năm, doanh nghiệp nên nhìn nhận lại những đóng góp của NLĐ trong suốt cả năm thông qua hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, việc san sẻ lợi nhuận với NLĐ một cách công khai là điều cần thiết và nên làm. Bởi làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ là người hưởng lợi từ sự cố gắng trong những năm sau của NLĐ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên coi NLĐ là nguồn vốn của doanh nghiệp thì mới có thể có cách hành xử đúng đắn, hợp lý trong chuyện trả lương và thưởng Tết.

 

Nói về việc thưởng Tết, chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân một công ty điện tử, Khu công nghiệp Thăng Long cho biết, có những thời điểm doanh nghiệp thiếu nhân lực trầm trọng. Khi đó, hầu hết công nhân phải căng sức ra để làm. Nếu cuối năm, việc thưởng Tết thiếu sự công bằng hoặc thiếu sự quan tâm, rất có thể NLĐ sẽ nghỉ việc sau Tết. Cũng bởi hiện nay, mọi mặt hàng đều có sự tăng giá đột biến. Như vậy, bên cạnh việc ưu đãi về lương, nếu doanh nghiệp không có sự ghi nhận những đóng góp của họ thì NLĐ khó có thể gắn bó với doanh nghiệp.

 

Bà Nguyễn Thị Châu Long, Trưởng phòng Chính sách việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho rằng, với một năm có sự tăng giá sinh hoạt và tiêu dùng đột biến như năm 2010, nếu doanh nghiệp không đầu tư, quan tâm tới NLĐ thì khó có thể giữ chân được họ, nhất là trong tình trạng khan hiếm lao động như hiện nay. Ông Vũ Quang Thành, Trưởng phòng Thị trường lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu lao động một cách trầm trọng. Nếu doanh nghiệp đối xử với NLĐ không tốt, rất có thể xảy ra tình trạng nhảy việc hoặc đình công của NLĐ. Thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 27 cuộc đình công. Nguyên nhân chủ yếu là do mức lương thấp, không đủ bù đắp những chi phí sinh hoạt của NLĐ cũng như tái tạo sức lao động cho họ.

 

Thưởng Tết là sự đánh giá của doanh nghiệp đối với công sức cả năm của NLĐ. Doanh nghiệp không nên "tham bát bỏ mâm" khi chăm lo cho NLĐ trong dịp Tết không thỏa đáng. Phải nhớ rằng, doanh nghiệp không thể hoạt động nếu thiếu NLĐ cũng như không thể tồn tại và phát triển nếu không có sự cố gắng, nỗ lực của mỗi NLĐ.