Đề phòng bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở người

08:50, 04/12/2010

Theo các chuyên gia y tế, dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm hiện đang bùng phát ở nhiều địa phương, nguy cơ lây lan sang người là rất lớn, do thời tiết chuyển lạnh là điều kiện để virus phát triển.

Mặc dù từ tháng 3/2010 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới cúm A/H5N1. Trong 3 tháng đầu của năm, có 7 người mắc cúm A/H5N1, trong đó 2 ca tử vong. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở người là rất cao do virus này đang xuất hiện trên gia cầm ở một số địa phương như Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tích lũy số người mắc cúm A/H5N1 từ tháng 12/2003 đến nay của nước ta là 119, trong đó 59 người tử vong.

 

Đầu tháng 10, tại tỉnh Hà Tĩnh, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại huyện Cẩm Xuyên, ngay sau đợt lũ lịch sử đi qua, làm gần 4.000 con gia cầm bị ốm chết và tiêu hủy. Nguyên nhân bùng phát dịch là tỉnh vừa trải qua trận lũ nên môi trường ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên bị ô nhiễm nặng. Hơn nữa, thời tiết thay đổi, trong khi mầm bệnh đã di trú trong môi trường trong thời gian dài và đàn gia cầm của địa phương đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng đợt 2.

 

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng và lây sang người, ngay sau khi có dịch, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất kết hợp với ngành Thú y để phun độc khử trùng môi trường tại những nơi có dịch cúm gia cầm. Đồng thời, cấp phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về cúm A/H5N1 tới từng gia đình, để người dân chủ động phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngành Y tế đã có kế hoạch triển khai phòng chống cúm lây sang người. Trung tâm chỉ đạo các huyện, các trạm y tế xã tuyên truyền cho người dân biết các triệu chứng để họ tự phòng. Sau đó giám sát những trường hợp tiếp xúc với gia cầm bị ốm chết để phát hiện sớm, đặc biệt những người có triệu trứng bị viêm phổi phải chú ý theo dõi, tránh xảy ra lây lan và tử vong.

 

Không chủ quan trước dịch cúm A/H5N1, cuối tháng 11, sau khi dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, ngành Y tế huyện Diễn Châu đã tham mưu cho UBND huyện triển khai khác biện pháp phòng dịch lây sang người. Huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, phối hợp với ngành chức năng giám sát, định kỳ kiểm tra nhiệt độ của người tiếp xúc với gia cầm ốm chết, tiêu độc khử trùng và sử dụng các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

 

Ông Cao Đình Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay hầu hết các xã trong huyện Diễn Châu đã có Ban Chỉ đạo và triển khai phòng chống. Cán bộ y tế giám sát những người tiếp xúc với gia cầm ốm chết, người tham gia tiêu hủy gia cầm, định kỳ kiểm tra nhiệt độ. Triển khai đồng bộ hệ thống cảnh báo dịch nhanh.

 

Từ thực tế các đợt dịch cúm gia cầm đã xảy ra những năm qua, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không ngăn chặn kịp thời sự lây lan của cúm A/H5N1 trên gia cầm, dễ dẫn tới lây bệnh cúm A/H5N1 trên người; Đặc biệt trong thời điểm giáp Tết như hiện nay, khi nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng mạnh, cộng với điều kiện thời  tiết lạnh cũng là điều kiện để virus cúm A/H5N1 phát triển và lây lan mạnh.