Lao động trẻ bị mất việc làm gia tăng

08:35, 29/12/2010

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì càng ngày số lao động trẻ bị mất việc làm càng gia tăng, nhất là ở độ tuổi 15-19. Đánh giá chung của các chuyên gia lao động, việc làm thì nguyên nhân chính là do trình độ nghề của lao động trẻ còn non kém dẫn đến chất lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

 

Qua khảo sát thực tế tại các trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch, các trang tuyển dụng việc làm ở Hà Nội thì mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy… là rất lớn, nhưng hầu như rất ít ứng viên lọt được vào tầm ngắm của các doanh nghiệp.

 

Nhiều cán bộ nhân sự của các doanh nghiệp - những người trực tiếp phỏng vấn lao động trẻ cho biết, trình độ nghề, sự hiểu biết về nghề của họ còn quá ít. Do vậy, chỉ có ít doanh nghiệp thực sự cần gấp lao động để phục vụ cho một đơn hàng mới thì họ mới đành tuyển dụng và xác định sẽ phải đào tạo lại 60-70% số lao động mới để đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Các doanh nghiệp đã mở rộng địa bàn tuyển dụng, tìm cách thu hút các lao động có tay nghề từ các tỉnh khác đến làm việc. Còn lao động ngoại thành lại dịch chuyển vào nội thành để tìm kiếm việc làm.

 

Một nguyên nhân khác cũng khiến số lao động trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều là do vì họ "đứng núi này trông núi nọ". Họ thích học những nghề cao siêu hơn là tìm kiếm một ngành nghề phù hợp với khả năng. Và họ sẵn sàng bỏ nghề này để học một nghề khác khi họ muốn. Do đó, họ quên đi việc rèn luyện tay nghề, theo học nghề nghiệp cho đúng với khả năng và trình độ của mình.

 

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ  Lao động Thương binh và Xã hội) thì khoảng cách về trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa thanh niên nông thôn và đô thị là khá cao với 44% thanh niên đô thị  và 70,41% thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo. Trong khi đó, số thanh niên đã qua đào tạo vẫn chưa được đánh giá tốt về chất lượng nghề.