Một ngày ở xứ “Tuyết”

17:02, 18/12/2010

Trong thời điểm khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị đón mừng ngày Lễ Giáng sinh năm 2010, chúng tôi có dịp được đến Thủ đô Berlin (Cộng hoà Liên Bang Đức) trong chuyến công tác nghiên cứu, trao đổi về lĩnh vực báo chí, xuất bản tại nước bạn.

Đô thị lớn này là một điểm nút giao thông và là một trong những thành phố thu hút được nhiều khách du lịch nhất của lục địa này. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hát và viện bảo tàng tại Berlin có danh tiếng quốc tế. Người dân nơi cho biết, đây là một trong những mùa đông lạnh nhất của Đức và cả Châu Âu trong hơn 40 năm qua. Vậy nhưng cái lạnh của Berlin hầu như không làm vơi đi niềm hứng khởi của các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi. Sau hai ngày làm quen, tôi đã nhanh chóng thích nghi với nhịp sống nơi đây.

Thức giấc vào buổi sáng sớm, cảnh tượng tôi thấy bên ngoài cửa sổ là cả một biển tuyết trắng mênh mang trên khắp các tuyến đường, trên cành cây, ngọn cỏ. Những chiếc xe ô tô đỗ trong các công sở được bao phủ trắng xoá bởi lớp tuyết rơi trong đêm (dày khoảng 4-5 cm). Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến mùa đông ở nơi đây, tôi không khỏi tò mò về sự chịu đựng cái rét của người dân cũng như phong cách sinh hoạt của họ. Không thể tưởng tượng được, trong một “tủ lạnh khổng lồ” với nhiệt độ thường xuyên ở mức trên dưới không độ, vậy mà công nhân trong Thành phố đã dậy rất sớm để điều khiển các xe cơ giới dọn tuyết trên các ngả đường giao thông, phục vụ kịp thời cho các phương tiện đi lại. Bởi nếu không dọn kịp thời sẽ rất dễ dàng xảy ra ùn tắc và mất an toàn khi xe lưu thông. Cái lạnh ở đây cũng hầu như không làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt và làm việc của người dân.
 
Là một đất nước phát triển, đa số người dân nơi đây lựa chọn cho mình phương tiện công cộng để di chuyển trong ngày. Đây đó, một vài người dân đang đi xe đạp trên đường bắt đầu một ngày mới của mình, đặc biệt là không hề có xe mô tô, xe gắn máy đi lại ở khu trung tâm Thành phố. Nhanh chóng dùng bữa sáng với bánh mỳ và súc xích, chúng tôi lên xe buýt, đi hơn 20 km đi trong Thành phố để có mặt tại địa điểm làm việc trước 9 giờ sáng (bình thường người dân Thành phố này đều có cự ly di chuyển khoảng từ 20-30 km trở lên từ nơi ở đến nơi làm việc). Suốt dọc đường, các phương tiện giao thông nối đuôi nhau nhưng không hề xảy ra ùn, tắc. Ngoài những tuyến đường được dọn sạch để phục vụ giao thông thì hầu như tuyết trắng vẫn bao phủ trên nóc các toà nhà, dọc hành lang các tuyến phố bên đường…
 
Trong lịch trình công tác, chúng tôi đến làm việc tại Tòa nhà Bộ Tư pháp Liên bang. Vừa tới nhiệm sở, chúng tôi được hướng dẫn chu đáo nơi treo áo choàng, mũ, khăn ấm rất gọn gàng, ngăn nắp và trở về phòng làm việc. Không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương, với phong cách cởi mở, chân tình, đi thẳng vào vấn đề chính mà không bị mất thời gian vào những khâu giới thiệu xã giao, cán bộ ở đây cho rằng để có chương trình làm việc này, cả hai bên đều đã thảo luận và thống nhất cả về nội dung chương trình cũng như thành phần đoàn công tác. Trong buổi làm việc, chúng tôi nhận thấy phong cách trao đổi của hai bên rất thoải mái, có thể cho phép ngắt lời diễn giả giữa chừng để đặt câu hỏi. Nhiều ví dụ minh hoạ từ thực tế của cả hai bên được đưa ra làm cho buổi trao đổi thêm sinh động, hiệu quả.
 
12 giờ, buổi làm việc kết thúc. Ra khỏi trụ sở, chúng tôi trở lại xe buýt để đi ăn trưa. Ánh mặt trời chợt le lói lên một chút rồi vụt tan biến trong tầng mây bao phủ dày đặc. Với một giờ nghỉ trưa, chúng tôi được hướng dẫn đến một quán cơm Việt ngay tại trung tâm Berlin, thưởng thức cơm trưa theo dạng ăn nhanh để kịp giờ làm việc buổi chiều. Bữa ăn được phục vụ rất nhanh tùy theo sở thích của từng người, những món ăn quen thuộc với hương vị gần gũi đã phần nào làm chúng tôi vơi đi nỗi nhớ quê hương.
 
 
Thật tình cờ, tôi được gặp vợ chồng anh chị chủ quán (ảnh) là người Việt sang định cư và làm ăn tại Berlin đã trên 20 năm. Với quán cơm nhỏ này, anh Dũng (người Lạng Sơn) và chị Lan (người Bắc Cạn) đã tần tảo làm ăn và nuôi dạy 2 cháu trưởng thành tại đây. Hiện nay 2 cháu đều đang theo học đại học tại Đức, các cháu đều học tập tốt, không kém người dân bản địa. Trò chuyện với chúng tôi, anh chị không giấu nổi xúc động và phấn khởi khi được gặp những người con của quê hương mình trên đất nước bạn. Anh, chị cho chúng tôi biết, hiện nay có khoảng 100.000 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức, nói chung mọi người có cuộc sống ổn định và được tạo điều kiện thuận lợi để học tập và công tác. Quán cơm của vợ chồng chị đã được tiếp đón rất nhiều lượt cán bộ cũng như công dân Việt Nam sang đây học tập, công tác. Chị cũng đang mong ước có một dịp gần nhất, thu xếp trở về Việt Nam sinh sống và đưa các con về cống hiến cho quê hương...
 
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi nhanh chóng lên xe buýt đến địa điểm làm việc mới. Đúng 13 giờ, chúng tôi có mặt tại Tòa nhà làm việc của Bộ Nội vụ Liên bang Đức. Vừa gặp, chúng tôi đã nhìn thấy những ánh mắt thân thiện và cảm nhận được không khí làm việc say sưa, nhiệt tình của những người cán bộ, công chức nơi đây. Mặc dù bất đồng về ngôn ngữ, nhưng Tiến sỹ Bùi Quốc Tuấn, lãnh đạo Học viện Quản lý VDWF (là người Việt Nam đã sang đây công tác trên 20 năm) đã giúp chúng tôi có buổi làm việc rất gần gũi và cởi mở. Nhiều nội dung mà Đoàn quan tâm nghiên cứu được làm sáng tỏ với phong cách làm việc năng động, hiện đại. Chúng tôi kết thúc làm việc buổi chiều vào 17 giờ cùng ngày.
 
Ở xứ lạnh này, ban ngày ngắn hơn ban đêm. Được đồng nghiệp hướng dẫn, chúng tôi dành chút thời gian tranh thủ thăm Chợ Đồng Xuân tại Berlin. Đây là chợ dành cho người Việt Nam làm ăn, buôn bán. Đến chợ, hầu hết chúng tôi không đi mua sắm mà dành thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi và trò chuyện với những người con của quê hương Việt Nam. Những đồ dùng, vật dụng của người Việt được bày bán ở đa số các sạp hàng trong chợ… Sách báo tiếng Việt cũng được bày bán khá nhiều, báo An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, văn hoá văn nghệ, nhiều loại tạp chí cho tới các tập thơ, chuyện ngắn dành cho mọi lứa tuổi đều có. Tại các quán ăn trong chợ, có rất nhiều món ăn của người Việt Nam. Nào là canh chua, phở, bún; nào là tái dê tương gừng, cơm quê, rau luộc, rau sào theo phong cách người Việt… Thật thú vị khi ở giữa Thành phố Berlin lại được thưởng thức nhiều món ăn quen thuộc như ở nhà, làm cho khoảng cách giữa mảnh đất và con người Berlin với Việt Nam thêm gần gũi và thân thuộc.
 
Trên đường trở về nơi nghỉ, chúng tôi được chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp của chợ dịp giáng sinh. Noel là ngày lễ được người dân chờ đợi và cũng là ngày quan trọng nhất trong một năm của người châu Âu (giống như dịp Tết của người Việt Nam). Đến chợ, họ chăm chú quan sát, tìm mua những vật dụng, đồ trang trí cho ngày giáng sinh ở gia đình mình. Dù to hay nhỏ, hầu như mỗi gia đình cũng như công sở đều có một cây thông Noel được trang trí theo ý thích. Nhiều cây thông cao, to đặt ở các khu vui chơi công cộng được trang trí đèn nhấp nháy đủ màu sắc đã tạo nên một Berlin huyền ảo trong đêm đông lạnh giá…          
 
Nhịp sống của những người dân trên đất nước phát triển hàng trăm năm tuổi, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học quan trọng của Châu Âu đã để lại trong tôi không ít suy nghĩ về một phong cách làm việc năng động, hiện đại và sự gần gũi, thân thiện, hợp tác hiệu quả trong thời kỳ hội nhập và phát triển.