Một nhịp cầu bắc giữa nhân gian

15:47, 29/12/2010

Trong những lần cùng anh chị em công tác ở Tỉnh hội Chữ thập đỏ đi cứu trợ cho đồng bào vùng thiên tai, hoặc những dịp về với những thân phận nghèo khó vì bệnh tật, rủi ro tôi nghiệm ra rằng: Cuộc sống hôm nay còn lắm cực nhọc, song trong mỗi con người, ai cũng có trái tim biết rung nhịp yêu thương, sẵn lòng san sẻ với người không may mắn, để giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Và những người đại diện cho Đảng, Nhà nước làm công tác nhân đạo, từ thiện như ở Tỉnh hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên, chính là một nhịp cầu bắc giữa nhân gian. Nhịp cầu ấy lặng lẽ nâng bao lòng tốt, cho tấm lòng về đến nơi cần được sẻ chia.

 

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, cán bộ phụ trách mảng tuyên truyền, kiêm lái xe của Tỉnh hội Chữ thập đỏ là một trong những người như thế. Công việc của ông không phải hằng ngày đưa lãnh đạo đi hội họp, hay ký kết các hợp đồng kinh tế, mà đó là những chuyến đi nhân đạo, chuyển từng món quà đến tay người nghèo. Còn bà Nguyễn Thị Dưỡng, Trưởng ban Công tác Xã hội của tỉnh Hội cho tôi xem những trang giấy ghi kín tên, địa chỉ của những tấm lòng từ tâm. Có nông dân xin được góp dăm, ba nghìn đồng; người làm doanh nhân thành đạt hơn, xin góp vài chục triệu gọi là chút lòng chia sẻ khó nhọc cơm áo với người nghèo. Trong thời gian từ năm 2001 đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn của tỉnh đã quyên góp được hàng chục tỷ đồng cho các quỹ Bảo trợ Nạn nhân chất độc Da cam; Quỹ nhân đạo.

 

Riêng năm 2009, Tỉnh hội Chữ thập đỏ đã huy động được hơn 234 triệu đồng cho Quỹ Nạn nhân chất độc da cam; 251 triệu đồng cho Quỹ Nhân đạo. Để trong suốt gần 10 năm vừa qua, toàn tỉnh đã có 566 hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà, sửa chữa nhà ở. Trong cùng thời gian, Tỉnh hội Chữ thập đỏ đã chuyển tới tay đồng bào nghèo vùng thiên tai trong, ngoài tỉnh hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn bộ quần áo, chăn, màn, đồ dùng gia đình và hàng tỷ đồng trợ cấp đột suất. Nhờ đó người dân vùng bị thiên tai, người gặp hoạn nạn đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, thông qua Tỉnh hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh đã gửi đến cho bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh tại Bệnh viên C Thái Nguyên và Bệnh viện Tâm thần hơn 120 nghìn suất ăn tình thương, hàng trăm bộ quần áo ấm cho người già, trẻ em đang sinh sống tại Trung tâm Da liễu chống phong và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

 

Ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh tâm đắc: Chúng tôi nguyện là một nhịp cầu để chuyển những lòng tốt vào thiên hạ... Song chúng tôi biết, công việc của những người thay mặt Đảng, Nhà nước làm công tác nhân đạo, từ thiện như ông Tiến và anh chị em trong Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng chẳng dễ dàng gì, nhất là việc khơi dậy ở mỗi con người lòng từ tâm, để khi việc quyên góp của mọi người, mọi giới trong xã hội mang giúp đỡ người nghèo đã trở thành nếp, thì lại phải lo làm như thế nào để những tấm lòng thánh thiện trong đời được chan hoà trong nhân gian. Ông Tiến tâm sự: Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, bao giờ chúng tôi cũng ưu tiên phần quà cho những người khó khăn nhất. Dù họ ở đâu, họ là ai… chỉ cần biết họ nghèo, nghèo nhất trong những người nghèo thì chúng tôi dành ưu ái cho họ. Có không ít trường hợp người nghèo ở xa, không có điều kiện đi nhận phần quà ấy, chúng tôi nhờ các bác xe ôm mang đến tận nhà, tất nhiên sau đó phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

 

Món quà tuy không nhiều, nhưng ví như ngọn lửa sưởi ấm cho những phận đời chưa đủ áo… Qua trao đổi chúng tôi còn được biết: Hiện trên địa bàn của tỉnh có trên 7.000 thương binh, bệnh binh; gần 30 nghìn thân nhân liệt sĩ; hơn 11 nghìn nạn nhân chất độc da cam; hơn 6.000 hộ nghèo đang cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ. Đơn giản là ngay trong các bệnh viện, hằng ngày có những bệnh nhân được cấp thuốc điều trị, nhưng không có đủ tiền mua suất cơm bình dân. Ông Tiến, trong một lần vào viện thăm người thân bị ốm, ông vô tình chứng kiến cảnh một người bệnh vần vò trong tay 3.000 đồng với chiếc bát nhựa to đi qua mấy quán cơm như người khất thực, mà chẳng quán nào chịu… bán. Ông lén quay đi lau vội giọt nước mắt, và chợt nghĩ đến việc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp giúp người nghèo có bữa ăn tình thương. Không ngờ, ý tưởng của ông được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ và duy trì đều đặn từ suốt 3 năm nay.

 

Trở lại văn phòng làm việc của Tỉnh hội Chữ thập đỏ, tôi được đọc những lá thư cảm ơn của người nghèo sau khi nhận được sự giúp đỡ thông qua Tỉnh hội. Và cả những trang thư khiến tôi nghẹn lòng vì xúc động. Thư viết: Trước đây, tôi rất nghèo, tôi từng nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong xã hội. Nhờ thế, tôi đã dần vượt qua được khó khăn. Nay kinh tế gia đình dù chưa dư dật nhiều, nhưng mỗi lần bưng bát cơm, tôi lại nghĩ tới những người nghèo khó, đang phải lần hồi từng bữa ăn. Vậy nên hằng ngày tôi có một chút lòng, thông qua đội ngũ những người làm công tác chữ thập đỏ, chuyển đến cho người đang cần giúp đỡ… Tôi xin được giấu tên.

 

Có những người đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh, ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, khi nhân viên thu ngân hỏi tên, địa chỉ để vào sổ sách đã nằng nặc đề nghị… xin được ủng hộ, nhưng cũng xin không ghi tên… Vâng! Dù ghi tên hay giấu tên, thì ở một góc nhìn nào đó, tấm lòng của họ đều đã là vàng. Chợt khi ấy tôi chợt nhớ lời Bác Hồ dạy: "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ".

 

Bên cạnh từng lá thư chan chứa yêu thương, tôi còn đọc được trong danh sách những địa chỉ đang cần được giúp đỡ: ông Nguyễn Văn Bẩy, xóm Đồng Trong, xã Thanh Ninh (Phú Bình), nạn nhân chất độc da cam; ông Trần Quang Văn, xóm Khe Thương, xã Yên Đổ (Phú Lương), nạn nhân chất độc da cam; bà Trần Thị Tẻo, xóm An Long, xã Bình Long (Võ Nhai), chồng, con, cháu đều bị thiểu năng trí tuệ.

 

Còn nhiều nữa những cảnh đời đang cần được giúp đỡ. Và vì thế công việc của những người làm công tác chữ thập đỏ cũng nặng nề hơn.