Phú Yên-Bình Định vẫn lênh đênh trong lũ

11:02, 01/12/2010

Ngày 30/11, trên địa bàn hai tỉnh này trời đã ngớt mưa, nhưng nước trên các sông vẫn ở mức cao. Hàng ngàn ngôi nhà vẫn bị nước lũ chia cắt, gây cô lập. Tại tỉnh Bình Định đã có thêm 1 người bị nước lũ cuốn trôi. 

 

Đến tối 30/11, ở Phú Yên trời đã bớt mưa, lũ trên các sông rút chậm, nhưng nhiều xã vùng thấp ven sông Ba, sông Kỳ Lộ vẫn còn ngập lũ. Một số cầu tràn trên tỉnh lộ lên các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh tiếp tục ngập sâu, phương tiện xe máy phải khiêng, cõng từng chiếc một qua lại. Do ngâm lũ dài ngày nên nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước uống và dịch bệnh xảy ra.

 

Theo lịch thời vụ, còn hơn 1 tháng nữa, tỉnh Phú Yên sẽ xuống giống, triển khai sản xuất vụ đông xuân, nhưng hiên nay, đồng ruộng nhiều nơi còn mênh mong nước, công trình thuỷ lợi hư hỏng do lũ chưa thể khắc phục được.

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn tỉnh Phú Yên cho biết, mùa mưa năm nay tại tỉnh này khả năng còn kéo dài hơn những năm khác. Vì vậy, các địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả, vừa tiếp tục theo dõi diến biến thời tiết sẵn sàng sàng đối phó với diễn biến thời tiết phức tạp.

 

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết: Năm nay, huyện đã tuyên truyền để người dân chủ động lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men chuyển lên vùng cao trước để khi người dân đi tránh lũ vừa bảo vệ tính mạng và tài sản của dân không bị mất, hỏng.

 

Tại tỉnh Bình Định, trời đã hết mưa, mực nước các sông vẫn đang ở mức cao. Phù Cát là địa phương bị ngập lụt nặng nhất, trong đó xã Cát Chánh bị cô lập hoàn toàn với hơn 1.300 ngôi nhà bị chìm trong biển nước.

 

Đến chiều 30/11, huyện Phù Cát có 1 người bị lũ cuốn trôi là ông Võ Tấn Mười, 44 tuổi ở thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, hiện đã tìm thấy xác. Cùng ngày, chính quyền địa phương UBND huyện, các xã đi kiểm tra và tiếp ứng lương thực, nước uống cho bà con vùng ngập lũ, tuy nhiên do nước vẫn còn ngập sâu nên việc đi lại chỉ bằng thuyền, canô nên rất khó khăn khi tiếp cận người dân. UBND xã Cát Chánh cũng chủ động di dời tại chỗ hơn 200 hộ dân bị ngập nặng.

 

Còn tại huyện Tuy Phước, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây cô lập 34 thôn của 7 xã trong tổng số 13 xã, thị trấn trong toàn huyện. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ’ nên hiện nay Tuy Phước ít bị thiệt hại về người và tài sản.

 

Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: Hiện ở huyện vẫn còn 7 xã bị chia cắt, phương tiện không đi lại được.

 

“Theo quy luật thì cũng đang có dự lượng lụt tháng 10 nên huyện cũng đã bố trí lịch thời vụ sau 23/10 (âm lịch) khoảng 3 ngày mới bắt đầu gieo xạ. Người dân cũng chấp hành, nên thiệt hại về giống trong gieo xạ cũng hạn chế”, ông Nguyễn Bay cho biết thêm.