Tiếng gọi từ rừng đá

09:41, 08/12/2010

Ở độ cao trung bình từ 1.400-1.600m so với mặt nước biển, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên 4 huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, với diện tích hơn 2.347 km2, gồm 17 dân tộc, trong đó người Mông chiếm 80%. Ngày 3-10, Công viên đã được Hội đồng tư vấn của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu chính thức công nhận là thành viên…

 

Vẳng vọng trên cao nguyên Đồng Văn có tiếng hát trong trẻo, quyện hoà giữa tiếng khèn của thăm thẳm điệp trùng rừng đá chất ngất cao: Lên với em anh nhé/Khi mùa rẫy vừa xong/Em sẽ thêu khăn quàng/Thắm rừng biên cương...  Lời bài hát ca ngợi cuộc sống, con người trên vùng đất địa đầu biên cương Tổ quốc nồng nàn chất men, khiến chúng tôi - những người làm báo nơi Thủ đô gió ngàn của Thái Nguyên không thể cầm lòng, cùng vượt đèo Khế, rồi ngược con đường lên thượng nguồn dòng sông Lô, đến với Hà Giang để tận thưởng những kỳ vĩ kiến tạo thiên nhiên ban tặng cho con người. Đó là những dải núi đá cao chất ngất, ẩn chứa trong nó những hang động kỳ bí, các di chỉ cổ sinh, trầm tích hoá thạch và liên tiếp những thung khe sâu hút tim mang dòng chảy mềm uốn lượn, ôm lấy từng triền núi, trông tựa nét bút trời chép lại “dòng nhật ký” tiến hoá suốt quá trình lịch sử vận động của trái đất hơn 4,6 tỷ năm.

 

Đang mùa hoa lê nở trắng, trên cao nguyên đá Đồng Văn trời và đất như gần nhau hơn. Từng đoạn đường qua chân mây đầy sương giăng lên cổng trời, rồi bất chợt cao nguyên bừng nắng, từng phiến đá rêu phong lạnh lùng choàng tỉnh hắt lên thứ ánh sáng phản quang lung linh màu ngũ sắc cầu vồng. Trên khắp cao nguyên Đồng Văn, đá chồng lên đá, đá nhiều vô khối với đủ các dị hình làm lên một diện mạo kỹ vĩ, bất tận của rừng đá… Trải dài theo nhịp vòng quay trái đất, rừng đá trên cao nguyên Đồng Văn từng là quê hương của nhiều huyền tích.

 

Chuyện kể ngày xửa xưa, khi người mường trời và người hạ giới thường qua lại thăm nom nhau, bấy giờ ở rừng đá có chàng Phạ Khây sức khoẻ hơn người, đem lòng yêu tiên nữ trên trời. Ngọc Hoàng giận lắm liền cho trời dâng lên cao hơn. Để gặp được người mình yêu, chàng gánh đất làm thang lên trời... Một ngày nọ, nghe tin mẹ mất, Phạ Khây vội buông gánh chạy về lo tang cho mẹ... Sau này, gánh đất của Phạ Khây trở thành núi đôi Quản Bạ, còn nước mắt Phạ Khây khóc mẹ chảy thành dòng sông Đông Hà. Từ xã Lũng Hồ (Yên Minh) sang vùng Đông Hà (Quản Bạ), hình dáng từng ngọn núi xắp thành hàng, ngọn cao dần như từng bậc thang hướng lên trời. Từng dáng núi, dòng sông hoá lời ru, ăn sâu vào tiềm thức của những người con sinh ra ở một miền biên viễn. Cùng thời gian, giao thông được Nhà nước mở mang, thuận lợi hơn với những người thích khám phá, tìm tòi, chinh phục. Vì lẽ ấy, mỗi phiến đá cũng dần hấp dẫn hơn với du khách trong và ngoài nước, nhất là tại các địa chỉ: Nhà họ Vương (Sà Phìn); Cột cờ Lũng Cú; chợ tình Khau Vai... Dưới chân một vách núi dựng đứng cao hàng chục mét, khu phố cổ Đồng Văn càng thêm cổ kính với lối kiến trúc kiểu phòng thủ, trình tường, mái lợp ngói máng truyền thống của địa phương. Vào các đêm rằm, trước mỗi ngôi nhà đều được chủ hộ treo đèn lồng, tạo cho khu phố có nét độc đáo riêng. Ông Nguyễn Văn Chanh, gần 80 tuổi, chủ nhân của một ngôi nhà cổ cho biết: Trong ngôi nhà này, đến ông là đời thứ tư đang sinh sống, không biết nhà được xây dựng từ năm nào, nhưng ông biết “nó” có giá trị về văn hoá nên luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ, tôn tạo.

 

Giữa rừng đá mênh mang, từng bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn có những tập quán mang đậm nét văn hoá của các tộc người: Lễ Ma khô của người Mông; Lễ cấp sắc của người Dao và đêm nhảy lửa của người Lô Lô chải... Trên Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, các cơ quan chức năng Nhà nước hiện đã sơ bộ thống kê được 45 di sản địa mạo, tiêu biểu như: Hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Khe Lía, các rừng đá và hoang mạc đá ở Lũng Táo, Sảng Tủng, Khau Vai, Lũng Cú, đôi mắt rồng ở bản Chang, Sảng Tủng, Cán Chu Phìn... Dọc hành trình giữa rừng đá, chúng tôi còn trải qua từng cung đường treo bên miệng vực, bên còn lại đá dựng vách đứng, để rồi chợt oà niềm vui khi đến được từng khu đất bằng phẳng, thấp thoáng khói lam chiều lan toả. Thế mới hay giữa nghiệt ngã của thời tiết, trong gian khó của địa hình, thì những con người nơi đây vẫn vượt lên khó khăn, để từ mỗi hốc đá có nắm đất cho cây ngô nuôi sống con người. Và trên suốt đường trường qua dốc Bắc Sum, dốc chữ M, dốc chín khoanh... loằng ngoằng cua tay áo, sau cái cảm giác rờn rợn khi nhìn xuống đáy vực là những đám cây Tam giác mạch nở hoa đỏ, hoa trắng; đám cải nở vàng và mọc trên rêu đá từng đám cây Bạc hà đang mùa nở rộ, có đàn ong tất bật giữa giá lạnh bay tìm mật ngọt. Cảm phục hơn là những con người nơi rừng đá, lưng đeo gùi, chân đạp lên ngọn đá mà đôi tay vẫn thoăn thoắt se sợi lanh.

 

Đâu đó bên phiến đá có tiếng khèn cất lên giai điệu í...ộ... liền đó là câu hát ví của cô gái người Mông: Cây lanh đổ hất vào cây thông/Cây thông đổ nhoà trên mặt đất/Đôi ta kết bạn tình hạnh phúc đường này/Ta chỉ có đường nói mà không có đường lìa... Và nữa: Gái đẹp không biết dệt lanh cũng xấu/Trai khoẻ không biết làm rẫy cũng hèn... Hạnh phúc được đơm hoa, kết trái trên đá nên lời hẹn của trai - gái người Mông cũng sắt son, mộc mạc như đá; lời thề của tình bạn cũng “Chắc như dao chém đá”; tình nghĩa con người dành cho nhau cũng nặng như ngọn núi đá trước nhà... Và bao đời nay, đá vẫn chắt từng hạt nước, đọng lại từng đêm để nuôi sống muôn loài. Nơi rừng đá của cao nguyên Đồng Văn, đồng bào có câu ca: Người dân quê tôi sống đời lam lũ/Sống trên đá, chết vùi trong đá... Lời hát nhẹ tênh mà lòng người trĩu nặng chuyện áo, cơm. Mùa gieo hạt về, lưỡi cày của chàng trai Mông vấp đá, khô khốc, đôi bàn tay bật máu mà không ít người suốt cuộc đời chỉ có ngô làm mèn mén ăn với cải chua. Thương phận người lam lũ, đá cũng đổ mồ hôi. Song đá vẫn là đá, cứ lặng lẽ, muôn đời trơ nguyên, khiến nhiều sinh linh chung sống với đá phải hong đôi bàn tay lạnh buốt bên bếp lửa đợi Xuân sang...

 

Trong chuyến công tác nhân dịp Công nguyên đá Đồng Văn được gia nhập Công viên địa chất toàn cầu, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên đã đến tặng quà một số hộ nghèo của xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

 

Kéo chúng tôi vào thăm nhà, ông Giàng Mí Sính, xóm Ha Xúa, xã Tà Lủng (Mèo Vạc) bảo: Đá thì nhiều mà đời sống khó khăn lắm... Nom khuôn mặt già hơn cái tuổi 34 của Sính khoảng chục năm, tôi biết gia đình Sính rất chật vật về kinh tế. Nhưng tôi cũng chỉ biết động viên Sính cố gắng hơn trong sản xuất. Vì giữa rừng đá sền sệt mờ mây còn có những cảnh đời khó khăn hơn, vì thế chuyến hành trình lên miền cực Bắc Tổ quốc lần này, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên quyết định đến xã Sủng Trà (Mèo Vạc) để tặng chăn ấm và quà cho gia đình bà Ly Thị Pà, bản Tả Chà Lảng; ông Thào Mí Sính, bản Tả Chảng Lảng; bà Sùng Thị Xiêm, bản Lò Lử Phìn; ông Sùng Chá Pó, bản Sàng Sò và ông Sùng Mí Và, bản Tả Chà Lảng. Khi nhận quà, tôi thấy bà Pà, ông Sình muốn nói lời cảm ơn với cán bộ, viên chức, phóng viên Báo Thái Nguyên đã không quản ngại đường xa, vượt dốc đá lên chia khổ với đồng bào, nhưng... không biết nói tiếng phổ thông, đành dùng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc để biểu lộ. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã, ông Ly Mí Chả cho biết: Xã có 736 hộ thì 475 hộ nghèo đang cần được giúp đỡ. Các hộ còn lại cơ bản có đủ lương thực.

 

Ông Ly Mí Chả nói về sự nghèo của quê hương mình rất đỗi hồn nhiên, khiến chúng tôi phải suy tư vì những người dân đang được sống trên sự kỳ vĩ của rừng đá lại hằng ngày lo cái ăn không đủ. Có lẽ vì thế nên tiếng khèn của người Mông mang giai điệu hoài cảm, vời vợi da diết... Lên đỉnh Mã Pì Lèng, nơi con đường hạnh phúc mà trước đây, những  thanh niên xung phong đi mở đường phải treo người trên vách đá dòng dã gần 1 năm trời để đánh choòng, đặt mìn phá đá. Chúng tôi gặp ở đó các nhân viên Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đang thiết tha mời du khách mua sản phẩm mật ong hoá thạch - thứ mật quý được hàng triệu con ong chắt chiu từ hàng tỉ bông hoa mà thành.