Tổ chức cưới theo nếp sống văn minh: Khó hay dễ?

08:14, 06/12/2010

Trong khi những đám cưới xa xỉ diễn ra ngày càng phổ biến ở thành phố Hà Nội, gây lãng phí thời gian, tiền của và phiền toái cho cả khách mời và người trong cuộc, thì lại có một số địa phương thực hiện khá tốt việc cưới theo nếp sống mới.

 

Đoàn thanh niên làm chủ hôn

 

Đến thời điểm này, Phú Xuyên là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai mô hình cưới tiệc trà đơn giản, trang trọng đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Tuy chưa thu hút được 100% số đôi cưới theo hình thức này, nhưng mỗi năm Phú Xuyên có khoảng 800-900 đám (chiếm 60-70% số đám) tổ chức cưới theo nếp sống văn minh (NSVM), trong đó có 120-150 đám tổ chức theo hình thức tiệc trà. Đây là kết quả đáng trân trọng bởi từ năm 1997 trở về trước, việc dựng vợ, gả chồng cho con cái là gánh nặng đối với nhiều gia đình ở Phú Xuyên.

 

Ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Thời đó, trước khi cưới, nhà trai phải mang lễ vật, tiền mặt đến nhà gái (2-3 triệu đồng/đám), lễ ăn hỏi được tổ chức linh đình rồi chia trầu cau, bánh trái cho cả làng và lượng cỗ trong 2-3 ngày cưới không dưới 150 mâm… Hủ tục này khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ dở khóc, dở cười sau ngày cưới. Từ năm 1997 đến nay, hưởng ứng cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", huyện đã làm cuộc "cách mạng" xóa bỏ hủ tục. Phong trào sống và cưới theo NSVM được các ngành, đoàn thể, nòng cốt là đoàn thanh niên, tuyên truyền, vận động tới từng nhà và làm thí điểm tại 3 xã Hồng Minh, Tri Thủy, Quang Lãng rồi nhân rộng ra toàn huyện. Đáng mừng hơn, huyện đã làm thống kê và chưa thấy cặp vợ chồng nào cưới theo NSVM ly hôn.

 

Đám cưới theo NSVM ở Phú Xuyên diễn ra rất đặc biệt. Khi nhận giấy đăng ký kết hôn, đôi uyên ương được đoàn thanh niên tổ chức tiệc ngọt, biểu diễn văn nghệ chúc mừng hạnh phúc tại hội trường UBND xã. Sau đó, gia đình đôi bạn trẻ chuẩn bị khoảng 20-35 mâm cỗ mời anh em nội tộc đến chia vui. Với các đám cưới tổ chức tiệc trà, đoàn thanh niên đảm nhiệm tất cả mọi khâu, như chọn địa điểm, trang trí hội trường, phòng cô dâu, mời khách, tiếp khách, làm chủ hôn...

 

Nhà trai giúp nhà gái làm cỗ

 

Họ nhà trai cử một nhóm người có uy tín, thạo việc, sang nhà gái giúp việc, sắp cỗ trong lễ cưới là hình thức họ nhà trai chia sẻ, cảm ơn họ nhà gái đã có công sinh thành, dưỡng dục cô gái sắp về làm dâu. Tục lệ này của đồng bào dân tộc Dao, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Đó là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, trong lễ cưới được đồng bào Dao duy trì có chọn lọc, tiếp thu từ đời này sang đời khác.

 

Theo ông Triệu Phú Đức, Chủ tịch UBND xã Ba Vì thì trong lễ cưới của người Dao trước đây, nhà trai chia sẻ nỗi vất vả với nhà gái bằng cách mang sang nhà gái 2 đồng bạc nén, 30-50kg thịt gà, lợn, 30-40kg gạo, trầu cau… cùng vài chục người sang làm cỗ mời dân làng ăn 2-3 ngày. Sự "chia sẻ" quá tốn kém này khiến nhiều chàng trai nghèo không lấy được vợ nên khi có "luồng gió mới" là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" về địa phương, xã đã xây dựng quy ước làng văn hóa, trong đó đề cao tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh. Nhà trai vẫn đưa người sang nhà gái làm giúp, nhưng sính lễ chỉ là vài cân thịt lợn, 10 cân gạo và 120 cặp bánh rán. Bánh làm bằng gạo nếp, nhân đỗ xanh, nặn hình tròn do chính họ nhà trai tự tay làm, tượng trưng cho sự tôn trọng truyền thống, lễ nghĩa, tôn trọng sự thuận hòa. Nhờ đó, lễ cưới của người Dao hôm nay không thách cưới bạc nén, không mổ lợn, giết gà nhiều như xưa mà vẫn đẹp, vẫn vui, vẫn giữ được bản sắc.

 

Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân

 

Chuyện 100% đôi uyên ương được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở một xã nghèo, thuần nông như Hồng Duơng (Thanh Oai) diễn ra hơn 10 năm nay nghe thật khó tin, vì mô hình này mới chỉ phổ biến ở đô thị vài năm nay với số người tham gia đếm trên đầu ngón tay.

 

"Bí quyết" để các bạn trẻ không e ngại đến với bác sĩ trước khi kết hôn được cán bộ văn hóa xã Hồng Dương cho biết là do mỗi làng đã đưa việc khám và tư vấn sức khỏe cô dâu, chú rể vào quy ước làng văn hóa; đồng thời tuyên truyền trực tiếp để các bạn trẻ nhận thấy mức độ quan trọng của sức khỏe trong cuộc sống gia đình. Công tác tuyên truyền được tiến hành trước, trong và sau khi các bạn trẻ đăng ký kết hôn. Khi đến trụ sở UBND xã đăng ký kết hôn, các bạn trẻ được cán bộ xã vận động sang trạm y tế xã khám và tư vấn sức khỏe. Trạm y tế xã lưu tên, tình trạng sức khỏe của các cặp vợ chồng trẻ vào sổ và theo dõi đến khi họ sinh con, đẻ cái.

 

Lợi ích của những mô hình tổ chức việc cưới văn minh như trên ai cũng thấy rõ và không phải không thể thực hiện, nhưng vì sao đến nay chưa phổ biến? Câu trả lời xin để mỗi người tự suy ngẫm.