Xem quảng cáo, thấy sữa ngoại... nhẫn tâm

14:53, 28/12/2010

Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra giá sữa tại 3 công ty Nestlé Việt Nam, Mead Johnson Nutrition Việt Nam và nhà Phân phối Tiên Tiến. Do phải gánh chi phí: quảng cáo, tiếp thị… quá cao  nên nhiều loại sữa nhập ngoại đang có giá bán "trên trời".

 

"Nướng" bạc tỷ/năm cho tiếp thị, quảng cáo

 

Kết quả thanh tra cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam phải gánh quá nhiều chi phí: quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng… trong mỗi hộp sữa. Cụ thể, tại Nestlé Việt Nam, chi phí tiếp thị quảng cáo chiếm khoảng 30% chi phí kinh doanh. Năm 2008, mức chi phí này lên tới 20,565 tỷ đồng (chiếm 38% chi phí kinh doanh); 6 tháng đầu năm 2009, khoản chi này là 14,043 tỷ đồng, chiếm 27% tổng chi phí kinh doanh.

 

Năm 2008, chi phí bán hàng tại Mead Johnson Nutrition Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn, lên tới 77,53%, 6 tháng năm 2009 là 66,45% trên tổng chi phí. Trong đó, chi phí quảng cáo năm 2008 là 53,46%, 6 tháng năm 2009 là 36,22%. Kết quả thanh tra chỉ ra: Giá nhập khẩu sữa ổn định, chính sách thuế nhập khẩu, GTGT mặt hàng sữa của Việt Nam ổn định, còn chi phí bán hàng, quảng cáo của công ty luôn ở mức cao. Nhóm chi phí thuộc mức khống chế 10% theo quy định vượt lớn (năm 2008 vượt 19 lần, năm 2009 vượt 10 lần so với số khống chế).

 

Tại Công ty Tiên Tiến, chi phí bán hàng trên tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm 2008 tăng từ 62,65% lên 85,08%; chi phí tiếp thị, quảng cáo tăng từ 21,21% lên 42,75%. Việc giá vốn có xu hướng giảm song giá bán trên thị trường vẫn không giảm, xuất phát từ nguyên nhân tăng chi phí tiếp thị, quảng cáo và chi phí nhân công…

 

Chính chi phí quảng cáo lớn là yếu tố chính đẩy giá sữa tăng cao. Cụ thể, tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, giá nhập khẩu loại sữa Lactogen 3 (900g) chỉ có 66.950 đồng/hộp, nhưng bán ra  131.800 đồng/hộp; Nestle Gau 1(900g) nhập khẩu 72.361đồng/hộp, bán ra 220.000 đồng/hộp.

 

Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến người tiêu dùng mà do nhà phân phối độc lập thực hiện. Mức chênh lệch giữa giá bán và giá nhập khẩu C&F từ 101% đến 211%. Ví dụ, Enfagrow 1,8 kg nhập khẩu 198.559 đồng/hộp, bán ra hơn 402.000 đồng/hộp; Enfagrow 900g nhập khẩu hơn 108.000 đồng, bán ra hơn 220.000 đồng/hộp…

 

Một khảo sát của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng cho thấy, sữa Friso bán tại Việt Nam cao hơn trung bình 50- 60%, thậm chí có cửa hàng bán cao hơn 80% so với sản phẩm cùng loại tại Malaysia. Mặc dù sữa Friso tại Malaysia là sản phẩm nhập khẩu. Trong khi loại sữa Friso này được Cty FrieslandCapina sản xuất ngay tại nhà máy ở Hà Nam và Bình Dương, Việt Nam, chứ không phải sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp từ Hà Lan.

 

Các sản phẩm sữa ngoại khác như Enfa Graw, Enfa Kid (Mead Johnson), Dumex đều được sản xuất ở Thái Lan, Malaysia, những nước có yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương Việt Nam, chứ không phải sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ.

 

Mua sữa ngoại, chấp nhập "cõng" phí "đắng"

 

Trong thời gian qua dư luận đã rất bức xúc vì giá sữa trên thị trường quá cao. Sữa là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày và rất cần thiết với mọi người nhất là trẻ nhỏ, nhưng nghịch lý là trong khi thu nhập của người tiêu dùng còn thấp thì giá sữa lại quá cao. Kết quả thanh tra được công bố nhiều người không khỏi thất kinh khi biết sự thật khó tưởng tượng nổi 1 sản phẩm mà chi phí cho quảng cáo chiếm tới 30%- trên 50% chi phí kinh doanh.

 

Nhiều ý kiến cho rằng như vậy sản phẩm này sống được là do quảng cáo chứ không phải do chất lượng. Người tiêu dùng Việt Nam  đã phải trả một cái giá quá đắt mà trả cho quảng cáo chứ không phải cho sữa. Nhiều người tiêu dùng vẫn tin tưởng rằng sữa đắt tiền là sữa có chất lượng tốt nay ngã ngửa vì sự thật không phải như vậy mà sữa đắt là do quảng cáo.

 

Người tiêu dùng Việt Nam vốn tin vào quảng cáo do không có điều kiện tiếp cận được với các thông tin về sản phẩm dẫn đến quảng cáo là kênh duy nhất cung cấp thông tin cho họ và các hãng sữa đã tận dụng triệt để điều này chạy theo lợi ích riêng, bất chấp tất cả mặc cho người tiêu è cổ gánh chịu.

 

Quảng cáo sữa "một tấc đến trời"

 

Trong khi đó quảng cáo về sữa đang được thổi phồng. Các công ty nhập khẩu sữa lại ra sức quảng cáo chất lượng sữa theo kiểu “một tấc đến trời”, nào cao lớn, khoẻ mạnh, nào trí thông minh vượt trội, nào hệ miễn dịch hoàn hảo... khiến nhiều người tiêu dùng  nghĩ rằng sữa là loại thực phẩm màu nhiệm mà nếu thiếu, con họ sẽ còi cọc, kém phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

DHA và ARA là các a-xít béo chưa no thuộc nhóm omega-3 tối cần thiết cho cơ thể con người, nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ thức ăn. Tác dụng của chúng là tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện sự phát triển của não bộ cũng như thị giác. Thạc sĩ Lê Thị Hải,  bác sĩ tư vấn dinh dưỡng thuộc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, lợi dụng đặc tính này, đa số nhà sản xuất sữa đã bổ sung DHA và ARA vào thành phần và quảng cáo khuếch đại giá trị của những chất này để đánh vào tâm lý tiêu dùng. Các quảng cáo sữa đã khiến các bà mẹ lầm tưởng rằng DHA và ARA chỉ có trong sữa, rằng chỉ có uống sữa, con mình mới thành thần đồng.

 

Thực chất, theo thạc sĩ Hải, DHA và ARA có trong rất nhiều loại thực phẩm như cá, dầu thực vật, hải sản, trứng. Nếu các bà mẹ ăn nhiều thực phẩm này trong thời gian mang thai cũng như trong giai đoạn cho con bú thì con họ vẫn nhận được đầy đủ DHA và ARA. Thời điểm tiếp nhận 2 chất này tốt nhất đối với trẻ là giai đoạn trong bào thai và con đường hấp thu hiệu quả nhất là qua sữa mẹ.

 

Bà Hải nhấn mạnh, trí thông minh của trẻ không chỉ phụ thuộc vào mỗi DHA và ARA. Sữa cũng như chế độ dinh dưỡng tốt chỉ góp phần phát huy hết tiềm năng di truyền (cả về chiều cao lẫn trí thông minh) mà ông bà, bố mẹ để lại chứ không phải là thuốc tiên giúp đứa trẻ cao lớn, thông minh khác thường.

 

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) gần đây cũng đã từng bức xúc: một số hãng sữa có những quảng cáo, tuyên truyền gây ngộ nhận cho người tiêu dùng, như việc quảng cáo sản phẩm của mình giúp bổ sung năng lượng cho não, tăng sự thông minh... Chính vì điều này mà nhiều người tiêu dùng biết là vượt khả năng tài chính của mình những vẫn cố gắng mua sữa ngoại làm cho giá sữa tăng cao. Hành vi quảng cáo này cần bị cấm trong Luật Cạnh tranh và phải có chế tài xử lý.

 

Người tiêu dùng phải chi một khoản lớn cho quảng cáo khi mua sữa nhưng những gì họ nhận được từ các công ty sữa ngoại là những quảng cáo được thổi phồng quá đáng gây ngộ nhận. Cuối cùng mọi thiệt thòi người tiêu dùng phải gánh chịu, còn các công ty kinh doanh sữa ngoại cứ ung dung hưởng lợi. Sự nhẫn tâm trong kinh doanh sữa ngoại thật đáng sợ.