Xóm trọ sinh viên cần cảnh giác với bọn “đạo chích”

09:35, 02/12/2010

Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và  trung học chuyên nghiệp. Do đó, nhu cầu về phòng trọ rất lớn. Thời gian gần đây, một số kẻ “đạo chích” thường giả danh người quen để hiên ngang đột nhập vào các khu trọ sinh viên nhằm thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề này đã được các bạn sinh viên kể lại.

 

Em họ tôi là tân sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Mới đây, nữ sinh này đến than với tôi rằng cuộc sống tập thể nơi thành phố thật phức tạp, hễ cứ sơ hở cái gì ra là bị mất trộm ngay. Thậm chí, có người đang ở trong phòng mà vẫn bị kẻ trộm lấy đồ. Chuyện là em tôi thuê trọ tại một xóm trọ bên đường Lương Thế Vinh (phường Quang Trung), nơi có rất nhiều xóm trọ sinh viên. Một buổi trưa, khi 4, 5 sinh viên trong xóm trọ đang say sưa quây quanh bên bàn cờ tướng ngoài cổng thì có một thanh niên đi xe máy đến. Người này ăn mặc lịch sự, dựng xe gọn gàng trước cổng, gặp mấy sinh viên liền chào và cười với vẻ thân thiện như đã quen từ lâu rồi thản nhiên đi vào xóm. Mấy chàng sinh viên mải mê chơi cờ nghĩ hắn là người quen của ai đó trong xóm nên không đề phòng gì. Một thoáng sau, hắn đã trở ra, chào mọi người rất “phải phép” rồi ung dung nổ xe máy đi mất dạng. Khi tan “hội” cờ, các sinh viên trở về phòng thì có 2 người đã phát hiện điện thoại của mình để trong phòng đã không cánh mà bay. Nghĩ ra thủ phạm thì đã quá muộn. “Cũng may em có thói quen chốt cửa cẩn thận trong lúc ngủ trưa, nếu không máy tính xách tay của em chắc cũng mất. Còn quần áo, cả xóm không ai dám phơi ngoài hiên qua đêm vì đã bị mất nhiều lần” – Em họ tôi cho biết thêm.

 

Rất nhiều người đã gặp phải tình cảnh trên. Ở các xóm trọ vào những giờ trưa hay chiều tối thỉnh thoảng lại có người lạ xuất hiện. Với cách như trên chúng ngang nhiên “xâm nhập” vào xóm, hễ thấy phòng nào cửa không khóa là mở vào, nếu không gặp chủ nhà thì nhanh chân lẻn vào “cầm hộ” chiếc điện thoại, máy tính xách tay hay thứ gì gọn nhẹ mà có giá trị. Nếu chẳng may gặp người trong nhà, chúng sẽ xử lý rất nhanh bằng cách hỏi thăm một cái tên bất kỳ để “chữa cháy” rồi sẽ nhanh chóng chuyển sang phòng khác hoặc nếu có cảm giác bị nghi ngờ thì lập tức rút lui một cách an toàn.

 

Xung quanh chuyện này, tôi xin kể thêm một tình huống bi hài dưới đây: Một sinh viên bị mất điện thoại ngay trong lúc ngủ trưa vì chủ quan không khóa trái cửa. Em đã mượn máy điện thoại của bạn gọi đến số va mất của mình. Bình thường các tên trộm đã lấy được điện thoại thường tắt máy, tháo thẻ sim, nhưng với tên trộm này thì không. Khi biết chủ cũ” gọi đến vẫn nghe một cách tự nhiên và không ngại văng những câu nói tục tĩu, thách thức.

 

Một tình huống khác ở một xóm trọ trong ngõ 105 đường Lương Ngọc Quyến, một buổi chiều T đi học về đi ngang qua phòng của H thấy một thanh niên đang loay hoay mở khóa. Vốn tính hay đùa, T rón rén đến gần rồi òa to, khiến chàng nọ giật mình. T cười sung sướng rồi chuyển sang bối rối khi gã thanh niên cho biết mình là bạn của H. Mặc dù thấy người lạ nhưng nghe nói vậy T cũng không nghi ngờ gì nữa. Người thanh niên ung dung vào phòng, xếp gọn bộ dàn máy vi tính ra cổng, nơi có chiếc xe máy chờ sẵn. Còn H, sau một trận sống còn trong trò game ảo về phòng trọ phát hiện trên bàn máy tính đã trống trơn, mặc dù cửa vẫn khóa nguyên. Hỏi hàng xóm ai cũng cho rằng H trêu đùa vì chiều nay anh đã nhờ bạn đến chuyển đi.

 

Có nhiều sinh viên mất đồ trong tình cảnh cửa vẫn được khóa nguyên vẹn. Những trường hợp mất trộm như vậy thường bị kẻ gian hiểu rõ về thời gian sinh hoạt, biết trong phòng có thứ gì đáng giá. Việc bị mở khóa có thể do chủ nhà sơ ý bị kẻ gian đánh cắp, in trộm hoặc kẻ có “nghề” ra tay. Một xóm trọ khác bên đường đê vào Trường Đại học Nông lâm có 2 dãy 3 tầng đối diện nhau, khoảng 60 phòng xây khép kín cho sinh viên và học sinh thuê trọ. Chính vì xóm nhiều người như vậy nên tình trạng người ra, vào rất lộn xộn. Xóm này đã từng xảy ra nhiều vụ mất trộm xe máy. Có người bị chính bạn học của mình trộm máy tính sách tay đi bán.

 

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều sinh viên đi mua sắm ở chợ “bóp” Sư phạm thường phàn nàn bị móc túi mất tiền, mất ví, điện thoại. Điều đáng nói là nhiều người nhìn thấy kẻ móc túi hiên ngang hành nghề nhưng lại không dám tố giác do sợ bị trả thù…

 

Hy vọng, qua những câu chuyện trên sẽ là bài học cảnh giác cho mỗi sinh viên, không nên lơ là, chủ quan trong việc bảo vệ tài sản của mình. Hãy cảnh giác với những người lạ mặt xuất hiện trong xóm, nên hỏi rõ mối quan hệ của những “đối tượng” này với các thành viên trong xóm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong rằng chủ các xóm trọ cần có biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi của sinh viên, kết hợp với lực lượng công an địa phương trong việc quản lý các khu, xóm trọ…