Chăm lo Tết cho những người từng lầm lỡ

17:36, 27/01/2011

Hàn biểu kế chỉ 10 độ C, tôi co người trong chiếc áo ấm mà cảm nhận như thấy có cả ngàn mũi kim chích vào da thịt - lạnh kinh khủng. Nhưng dường như hơi lạnh không làm ảnh hưởng nhiều tới không khí chuẩn bị đón xuân của cán bộ, chiến sĩ đơn vị Trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục 8, Bộ Công an) và những phạm nhân đang thi hành án cải tạo phạt tù ở đây.

 

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam cho biết: Trong 3 ngày Tết, đơn vị sẽ có 2/3 lực lượng cán bộ, chiến sĩ trực, với tinh thần bảo đảm an toàn cho phạm nhân vui xuân. Cũng như mọi năm, Trại tổ chức cho phạm nhân được tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh như thi văn nghệ, thể thao với các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, hái hoa dân chủ, kể chuyện phấn đấu… để qua đó phạm nhân yên tâm về tư tưởng, chấp hành cải tạo tốt để sớm hoàn lương, trở về với cuộc sống ngoài xã hội.

 

Qua câu chuyện của Thượng tá Trường chúng tôi còn được biết: Để tổ chức cho 5.000 phạm nhân đón Tết thật chẳng dễ chút nào, bởi trong không khí xuân thường gợi ở phạm nhân chút mủi lòng, xao động hoài nhớ quê hương, gia đình. Vì thế, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải căng mình lên để làm việc. Trung tá Bùi Văn Thức, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ tâm sự: Nửa tháng trước Tết, mỗi ngày có khoảng hơn 300 lượt người đến Trại thăm nuôi phạm nhân. Vì sự an toàn cho những người đang chấp hành án, cán bộ, chiến sĩ ở các bộ phận liên quan phải làm việc từ sáng tới khuya mới được nghỉ, tập trung vào việc kiểm tra đồ đạc do người nhà phạm nhân gửi vào…

 

30 năm vào ngành, thì 16 năm nay, xuân nào Trung tá Thức cũng trực hết 3 ngày Tết ở đơn vị. Anh bảo: Công việc của mình nó thế, cứ Tết là bỏ nhà cho vợ con để lên Trại cùng cán bộ, chiến sĩ lo cho phạm nhân ăn Tết… Hỏi tâm trạng khi giao thừa không được về nhà, anh tâm sự: Cũng có lúc mình chạnh buồn, thương vợ con vì giây khắc chuyển sang năm mới, mọi việc trong nhà đều đặt lên vai vợ… Còn Trung uý Bùi Thị Nam Trinh thì cho biết: Vì trước đây bận con mọn, bận việc riêng tư nên anh em trong đơn vị không lỡ phân công tôi trực Tết. Năm nay, tôi tự nguyện đăng ký trực, để qua đó cùng chia sẻ công việc, tâm trạng với các đồng chí của mình. Còn Thượng uý Hoàng Mạnh tâm sự: Tôi mới vào nghề được 11 năm, kể cả Tết này nữa là giao thừa thứ 9 tôi ăn bánh chưng ở đơn vị. Con tôi xuân này mới lên 3, nhưng cháu cũng đã “quen” với việc ngày Tết bố bận công tác….

 

Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trại giam Phú Sơn 4 đều có nhà ở trong tỉnh Thái Nguyên. Nhưng do yêu cầu công việc họ không phàn nàn mà luôn động viên nhau bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngay như đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên tập sự của đơn vị cũng xin phép với thủ trưởng được ở lại cơ quan trực Tết. Thượng tá Nguyễn Tuấn Xuân, Trưởng phân trại số 4 thì vô tư nói: Trực Tết nhiều rồi thành quen, mà vợ con, người thân cũng quen như thế.

 

Vâng, trong cuộc sống có những việc không muốn mà rồi cũng quen. Nhưng ở đơn vị Trại giam Phú Sơn 4, thì cán bộ, chiến sĩ trực Tết nhiều “thành quen” như thế rất đáng được trân trọng, khâm phục. Vì ở đây, các anh, các chị đang thầm lặng cống hiến, hy sinh cả những giờ phút thiêng liêng trong dịp đầu năm mới để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cảm hoá những con người lầm lỡ, giúp họ nhận thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, để từ đây, họ hối cải, tập trung cải tạo thật tốt, được sớm trở lại là người tự do.

 

Phạm nhân Nguyễn Văn Th., án tổ chức sử dụng ma tuý trái phép cho biết: Tết, chúng tôi có bánh chưng, thịt, bánh kẹo… như ngoài đời. Còn phạm nhân Nguyễn Văn T., 74 tuổi, án hiếp dâm, cứ lầm lũi dọn dẹp ở một góc phòng. Ông làm như thế để khuây quên nỗi ô nhục ngoài đời khi phạm phải. Còn phạm nhân Nguyễn Thị T. khi được hỏi đã nói: Thưa, trước đây tôi làm cán bộ Nhà nước, vì can tội tham nhũng, lĩnh án phát tù 14 năm. Chỉ 1 năm nữa là tôi được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

 

Thêm một mùa xuân nữa những cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trại giam Phú Sơn 4 phải gác hạnh phúc riêng để chăm lo Tết cho bao cuộc đời lầm lỡ. Và trước miếng bánh chưng xanh, nhiều phạm nhân đã không cầm nổi nước mắt, tự vấn vì sao mình lại nông nổi, để suốt tuổi xuân phải sống trong 4 bức tường bao? Và vì thế, họ - những phạm nhân khi viết thơ, lời tâm sự đăng trên báo tường của Trại đều có chung tâm trạng nhớ quê hương, mẹ già và biết ơn những cán bộ quản giáo đã hàng ngày giúp họ thức tỉnh lương tâm.