Đẩy mạnh công tác phòng, chống TNXH trong CNVC lao động

10:15, 13/01/2011

Thái Nguyên - nơi tập trung trên 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và các khu công nghiệp, vùng khai thác khoáng sản… khiến tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội (TNXH).

 

Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống TNXH, Ban chỉ đạo Phòng, chống TNXH và HIV/AIDS của các cấp công đoàn toàn tỉnh tới cơ sở đã được thành lập, hoạt động có nền nếp. Hàng năm, Ban Chỉ đạo phòng cấp tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Phòng chống TNXH (Sở Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Da liễu của tỉnh… tổ chức kiểm tra, rà soát lại số công nhân viên chức (CNVC) lao động nghiện ma tuý trên địa bàn. Chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung vận động CNVC lao động thực hiện tốt Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tổ chức cho CNVC lao động ký cam kết không vi phạm TNXH, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý… khuyến khích động viên CNVC lao động mắc nghiện đi cai nghiện, tự tìm biện pháp cai nghiện, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng từ bỏ ma tuý, tái hoà nhập cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5.042 người nghiện ma tuý, trong đó có khoảng 3 nghìn người đang có mặt tại địa phương; hơn 7.400 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 11 CNVC lao động mắc nghiện (giảm 38 đối tượng so với năm 2006).

 

Tuy số người nghiện không nhiều nhưng đây là vấn đề được các cấp công đoàn xác định cần phải thực hiện triệt để. Vì thế, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế và điều kiện của ngành, đơn vị và đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu rõ tác hại của tệ nạn ma tuý và hệ lụy của nó đối với đời sống người lao động. Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được 775 cuộc tập huấn, tuyên truyền cho trên 21 nghìn lượt CNVC lao động về TNXH; phát hành trên 135 nghìn tờ gấp, sổ tay, tạp chí, áp phích… có nội dung tuyên truyền về phòng, chống TNXH, HIV/AIDS. Đối với cấp tỉnh, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh thường xuyên duy trì hội nghị báo cáo viên công đoàn hàng quý để chuyển tải các chủ trương, định hướng chính sách pháp luật mới của Nhà nước tới CNVCLĐ và đội ngũ tuyên truyền về phòng chống TNXH trong CNVC lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CNVC lao động. Cùng với các hoạt động trên, các cấp công đoàn trong tỉnh cũng đã xây dựng được 72 khu tập thể, làng công nhân kiểu mẫu không có TNXH. Xây dựng Quỹ “Vay vốn tạo việc làm”, xoá đói giảm nghèo trong CNVC lao động, tiêu biểu như LĐLĐ huyện Võ Nhai đã tạo kiện cho người lao động vay trên 600 triệu đồng; công đoàn ngành Nông nghiệp & PTNT trên 2,6 tỷ đồng với 828 lượt người vay, LĐLĐ huyện phổ Yên trên 900 triệu đồng cho 209 lượt người vay…

 

Có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình phòng, chống TNXH, HIV/AIDS trong CNVC lao động đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn các cấp, CNVC lao động về phòng, chống tệ nạn ma tuý, HIV/AIDS, góp phần chăm lo bảo vệ  sức khoẻ người lao động. Tuy nhiên, công tác phòng, chống TNXH, HIV/AIDS trong CNVC lao động vẫn còn có một số hạn chế: Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống TNXH, HIV/AIDS tại một số đơn vị cơ sở chưa thật sự hiệu quả, nội dung hoạt động chưa sát với đối tượng CNVCLĐ và thực tiễn sản xuất ở cơ sở. Việc phát hiện, quản lý, giáo dục số người nghiện ma tuý chưa chặt chẽ, kịp thời; nhiều đơn vị còn cố ý che giấu số CNVC lao động mắc nghiện…

 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phòng, chống TNXH, HIV/AIDS trong CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động  CNVCLĐ tham gia phòng, chống ma tuý; coi công tác phòng, chống ma túy là việc làm thường xuyên, liên tục, nhằm bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và CNVCLĐ trước tệ nạn xã hội và đại dịch HIV/AIDS. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống TNXH ở các cấp; tiếp tục rà soát, phát hiện và thống kê lập danh sách người mắc nghiện là CNVCLĐ; tăng cường các hoạt động phối hợp kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống ma túy trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Đẩy mạnh phong trào Xây dựng cơ quan văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá trong CNVCLĐ, phối hợp với chính quyền các cấp, người sử dụng lao động tổ chức thăm, hỏi, tặng quà nhằm động viên người lao động bị nhiễm HIV/AIDS, mắc nghiện, vượt qua khó khăn, yên tâm chữa trị và cai nghiện, sớm tái hòa nhập cộng đồng…