Giúp người dân vươn lên thoát nghèo

11:38, 27/01/2011

Nói về sự hỗ trợ của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi đối với người dân địa phương, anh Lê Văn Luyến, xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn (T.X Sông Công) bộc bạch: Sau khi được học các lớp về kỹ thuật chăn nuôi thú y do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi mở tại xóm, tôi đã biết cách chữa trị những bệnh thông thường cho gia súc, gia cầm, đồng thời giúp đỡ những hộ trong xóm khi các vật nuôi mắc bệnh. Đặc biệt, từ những kiến thức đã thu lượm được tôi đã quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Quả đúng như vậy, khi chúng tôi đến thăm nhà anh, ngoài vườn có tới hàng trăm con gà, vịt, trong chuồng 2 con lợn nái mới đẻ. Vừa rút rơm cho bò ăn anh Luyến vừa nói với chúng tôi: Nhà tôi vừa bán gần 10 con bò, giờ trong chuồng chỉ còn 2 con. Được biết thành quả của gia đình anh Luyến và nhiều hộ ở xóm Phú Sơn thoát nghèo là nhờ có sự hỗ trợ của Khối thi đua các cơ quan các đơn vị, trường học trên địa bàn T.X Sông Công trong hơn 4 năm qua. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở xóm nghèo nhất của Thị xã đã có bước chuyển biến rõ rệt, con đường vào xóm được mở rộng, làm cống ngầm qua đường, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện hơn...

Các hộ của xóm Phú Sơn phần lớn là dân của vùng bán ngập Hồ Núi Cốc đến định cư, còn lại là đồng bào Tày, Nùng, Sán chí từ Lạng Sơn chuyển về và một số ít hộ từ Hưng Yên lên khai hoang từ trước đây. Do điều kiện đất canh tác nông nghiệp có hạn (mỗi nhân khẩu bình quân chỉ được 1 sào ruộng), 100% diện tích gieo cấy lúa phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên, nên cả năm người dân trong xóm chỉ gieo cấy được 1 vụ lúa, vụ còn lại chỉ trồng được một số cây màu như ngô, khoai lang… giá trị kinh tế thấp, vì thế đời sống của nhân dân rất khó khăn. Đồng chí Hà Như Hạnh, Trưởng xóm Phú Sơn cho biết: Năm 2006, 58/63 hộ của xóm là hộ nghèo. Đường vào xóm nhiều đoạn có suối chảy qua, những ngày mưa to, giao thông bị cách trở, học sinh phải nghỉ học, cuộc sống của bà con vất vả lắm. Biết được sự khó khăn của bà con trong xóm, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (lúc đó là Trưởng khối thi đua gồm các cơ quan, đơn vị như: Bệnh viện C, Trường Cao đẳng Việt Đức, Trường THPT Sông Công, Trung tâm Y tế, Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh) đã vận động các đơn vị trong Khối đứng ra giúp đỡ xóm. Ý tưởng trên đã nhận được sự đồng thuận từ các đơn vị trong Khối. Ngay trong năm đầu tiên (2007), Khối thi đua đã huy động hàng trăm học sinh, sinh viên cùng với nhân dân trong xóm tổ chức lao động để nâng cấp, mở rộng con đường có chiều dài hơn 1km vào xóm, đồng thời huy động sự đóng góp của các đơn vị để sửa chữa, trang bị tủ sách cũng như các vật dụng khác như: bàn ghế, quạt điện cho nhà văn hoá của xóm; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, tư vấn cho các gia đình về chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trong xóm.
 
Đồng chí Tạ Văn Cần, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi cho biết: Bằng nguồn lực của mình, Trung tâm đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con xây dựng các mô hình kinh tế trong đó có các loại cây trồng phục vụ chăn nuôi đại gia súc, tư vấn cho bà con xây dựng các mô hình dinh dưỡng cho gia đình, trồng rau xanh, phát triển chăn nuôi. Có những đợt, Trung tâm huy động 20-30 cán bộ kỹ thuật xuống tận các hộ để tư vấn giúp người dân. Đồng thời phối hợp với Trung tâm dạy nghề của T.X Sông Công mở lớp dạy nghề cho nông dân ngay tại xóm. Nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi, người dân xóm Phú Sơn đã biết cách phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Khang, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Không những cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đến tận hộ tư vấn về cách thức phát triển chăn nuôi, mà còn cung cấp miễn phí các loại giống cỏ để trồng, phục vụ chăn nuôi gia súc cho các hộ. Mặc dù không chủ động được nguồn nước,  song bà con đã biết tận dụng đất đai trồng các loại cỏ để chăn nuôi gia súc. Nhiều hộ trước đây chỉ nuôi 1-2 con trâu bò nay đã phát triển lên gần 10 con như hộ anh Hà Như Chắc, Nguyễn Văn Lập, Lê Văn Luyến. Những năm trước cả xóm chỉ có khoảng 50 con trâu thì nay phát triển lên trên 100 con. Nhờ sự tư vấn của các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi mà nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo.
 
Từ ý tưởng của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi, các đơn vị trong khối thi đua đã chung tay đỡ đầu cho xóm. Từ 2007 đến nay, số công lao động, nhân lực, vật lực mà Khối hỗ trợ cho xóm Phú Sơn đã lên tới trên 200 triệu đồng,  xóm còn được T.X Sông Công đầu tư các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây nhà văn hoá, làm 5 ngầm qua suối với tổng trị giá trên 700 triệu đồng… Tính đến hết năm 2009, số hộ nghèo của xóm giảm xuống còn 28/74 hộ. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi còn vận động một số nhà khoa học, bác sĩ ở Hà Nội lên khảo sát và tư vấn cho bà con trong xóm cách nuôi con run quế để chăn nuôi gia cầm, cũng như làm các chế phẩm khác và xây dựng các mô hình nuôi thỏ. Theo kế hoạch, tháng 2-2011, các nhà khoa học này sẽ mang con giống lên để hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.
 
Nói về sự hỗ trợ của Khối thi đua các cơ quan nghiên cứu, trường học, bệnh viện, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền T.X Sông Công và những người dân xóm Phú Sơn mà chúng tôi gặp đều bày tỏ sự vui mừng. Nhờ sự giúp đỡ của Khối người dân nơi đây đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.