Ngày 28/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận hai bệnh nhân là vợ chồng anh Phạm Văn Lâm (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thuỷ (41 tuổi) đến từ thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng hôn mê, huyết áp thấp, hạ đường máu. Theo chuẩn đoán của các bác sĩ, hai bệnh nhân bị hôn mê do ngộ độc khí CO khi sưởi bằng than trong phòng kín.
Người nhà của bệnh nhân cho biết, vào khoảng 22 giờ ngày 27/1, do thời tiết quá lạnh, khi đi ngủ hai vợ chồng anh Lâm chị Thuỷ có sử dụng một chậu than hoa để sưởi ấm trong phòng ngủ hẹp và đóng kín cửa. Khoảng 4 giờ ngày 28/1 người nhà vào phòng đã thấy anh Lâm, chị Thủy bất tỉnh, môi đỏ tím, sùi bọt mép. Ngay lập tức, gia đình đã đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Sau khi được cấp cứu, tình trạng của hai bệnh nhân có chiều hướng khá hơn, tuy nhiên, vẫn phải thở bằng ôxy. Bác sỹ điều trị cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi di chứng tổn thương ở não của cả hai bệnh nhân trong nhiều giờ tới.
Bác sĩ Lê Hùng Vương, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) cho biết, nguyên nhân gây tai nạn như trên là do bệnh nhân bị ngộ độc khi hít phải khí CO. Khí này được hình thành do chất carbon trong than không được đốt cháy hoàn toàn. Điều này xảy ra khi đốt than trong môi trường không thoáng khí.
Bác sĩ Vương khuyến cáo, người dân không nên dùng các loại bếp than, củi, khí ga hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu, khí ga tại khu vực không thoáng khí để tránh nhiễm độc CO. Do quá trình nhiễm độc xảy ra rất nhanh, nên khi bệnh nhân cảm thấy bất thường cũng là lúc không còn khả năng kháng cự để thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm, mà sẽ bị lịm dần. Nhiều người bị bỏng nặng do ngã vào bếp than đang cháy hoặc để lại di chứng nặng nề ở não, thậm chí tử vong. Khi phát hiện có người nhiễm độc, cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.