Khi nghề “giúp việc” lên ngôi

16:36, 04/01/2011

Được lo ăn, ở tại nhà cùng gia đình, có phòng ngủ riêng, mỗi tháng được trả 1,7 triệu đồng, không dám nói nặng nửa lời ngay cả khi làm con tôi ngã đau hay làm việc “thiếu trách nhiệm”vậy mà người giúp việc của tôi vẫn “dọa” ra Giêng sẽ nghỉ.

Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Diệu, tổ 4, Phường Quang Trung, (T.P Thái Nguyên). Trước khi sinh con, chị đã phải thuê người để giúp việc gia đình. Con giờ mới được hơn 1 tuổi mà chị đã phải thay đến 3 người làm. Người giúp việc hiện thời chị đã phải nhờ người thân quen tìm giúp. Hai vợ chồng chị Diệu đều là giáo viên, ngoài việc ban ngày lên lớp, buổi tối chị phải soạn giáo án vì thế chị cần người giúp việc chủ yếu là để trông con, còn việc nhà giúp đỡ được đến đâu hay đến đó. Người giúp việc cho gia đình chị được ăn, ở ngay tại nhà với mức lương là 1,7 triệu đồng. Mặc dù việc trông con của người giúp việc không được như chị mong muốn, nhiều lúc thấy bà lơ đãng, khiến con bị trượt ngã, việc nhà thì hầu như bỏ mặc… Chị muốn góp ý nhưng lại không dám nói vì sợ bà bỏ việc. “Dù sao con mình cũng đã “gắn bó” với bà bấy lâu, hơn nữa lại do người quen thân giới thiệu. Mấy ngày gần đây, bà giúp việc nói bóng gió rằng ra Giêng sẽ xin thôi việc. Trong khi mỗi tháng, tiền lương của người giúp việc đúng bằng với mức lương giáo viên của tôi” - chị Diệu nói. Không chỉ riêng chị Diệu mà khá nhiều gia đình cần người giúp việc cũng rơi vào tình cảnh này.

 

Có thế nói hiện nay, nhiều gia đình công chức nhà nước hay bận kinh doanh thì thuê người giúp việc là một nhu cầu tất yếu. Vợ chồng đi làm cả ngày, có người giúp việc, mọi việc lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu nướng, chăm con đỡ vất vả phần nào. Thế nhưng, để chọn được một người làm thật thà, chịu khó thì quả thật không hề đơn giản. Trước đây, việc thuê một người giúp việc mỗi tháng chỉ mất khoảng vài trăm nghìn đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề giúp việc gia đình rất “có giá” và đang trở thành  một “nghề hót” trong cuộc sống hiện đại.

 

Chị Trịnh Thị Thìn, giúp việc cho gia đình chị Nguyễn Thị Nga, tổ 3, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) năm nay là năm thứ 2. Trước đây, chị đã có 4 năm đi xuất khẩu lao động tại Malaixia. Tất cả số tiền tích góp được trong những năm tháng vất vả nơi xứ người đủ để hai vợ chồng chị dựng được một căn nhà nhỏ. Chị dự định chạy chợ để duy trì cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học (chồng chị làm nghề tự do thu nhập không ổn định). Được người quen giới thiệu đến giúp việc cho nhà chị Nga, với mức lương 1,5 triệu đồng, bữa trưa ăn cùng nhà chủ, chị đã đồng ý. Chị cho biết: Công việc vốn đơn giản không mất nhiều sức chỉ có điều hơi gò bó về thời gian. Buổi sáng làm từ 7 giờ, buổi chiều khoảng 17h 30 phút sau khi chuẩn bị bữa tối cho gia đình nhà chủ là tôi có thể ra về. Vợ chồng chị Nga cũng không yêu cầu cao, lại thoải mái, thường xuyên cho quà, có thưởng trong các ngày lễ, Tết. Được làm cho một nhà tử tế như vậy tôi không mong muốn gì hơn. Chỉ có điều, thời gian dành cho chồng con lại không nhiều nên tôi cũng băn khoăn…

 

Chị Nga tâm sự: Để tìm được một người giúp việc thật thà, biết việc gắn bó lâu dài với mình không đơn giản. Từ năm 2005, gia đình đã có mấy người đến giúp việc nhưng có nhiều lý do để họ không gắn bó lâu dài với công việc như vì lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sức khỏe, khoảng cách đi lại xa xôi. Chỉ có một người tôi chủ động cho nghỉ vì có tính tắt mắt hay “dọn” đồ của nhà chủ mang về nhà mình. Tôi đã phát hiện vài lần chị ta trộm tiền. Chị Nga cho biết thêm: Cô bạn tôi vừa rồi phải cho thôi việc người giúp việc trong khi mới thuê được 2 tuần. Do cuối  năm, vợ chồng bận làm ăn, mọi công việc gia đình, con cái gần như phó mặc cho người giúp việc. Một lần tình cờ người quen đến chơi, khi lên tầng 3 và một số nơi khác thì thấy mấy gian phòng trong tình trạng không được ai lau chùi quét dọn. Chủ nhà được phen xấu hổ. Không những vậy, cô bạn tôi còn phát hiện thấy mất đi một số đồ đạc. Trong một chuyến “tình cờ” đi công tác qua nhà người giúp việc, thấy những đồ vật của nhà mình được bày ở đây nên đã quyết định cho cô này nghỉ việc..

 

Trường hợp của chị Thu ở Gang Thép cũng khá đặc biệt. Chị bỏ tiền thuê người giúp việc nhưng vẫn thường xuyên phải làm việc nhà vì người giúp việc không quen việc. Do người làm ngang tuổi mẹ mình nên chị Thu rất ngại “sai”. Vào làm được 1 tháng, người giúp việc đã hỏi vay 3 triệu đồng (tương ứng với 2 tháng lương) để đóng “họ” và mua thuốc cho chồng. Theo lời khuyên của nhiều người, chị Thu không đồng ý cho vay nhưng chỉ gần 1 tháng sau, người giúp việc lại hỏi vay tiếp 2 triệu đồng. Tiếp tục bị từ chối nên sau đó 3 ngày, người giúp việc lấy lý do gia đình rồi bảo nghỉ hẳn.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những gia đình có nhu cầu tuyển người làm thường qua sự giới thiệu của người quen. Rất ít người tìm đến Trung tâm Xúc tiến việc làm hay Sàn Giao dịch việc làm. Chủ nhà và người giúp việc tự thỏa thuận với nhau về công việc và tiền lương.  Tuy nhiên, trong quá trình “cộng tác” có không ít “sự cố” xảy ra. Do đó, một trong hai bên có thể tự do “cắt” hợp đồng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, nghề “giúp việc gia đình” sẽ còn “tiến xa” để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình. Có lẽ đã đến lúc người làm nghề giúp việc cần phải được đào tạo chuyên nghiệp và giữa gia chủ với người giúp việc nên có trách nhiệm với nhau bằng bản hợp đồng lao động…