Lặng lẽ với hoa đào

11:10, 24/01/2011

Tàn Đông, từng trận gió mùa như gượng thổi, cuốn bay những lá vàng, tả tơi, khép lại một vòng quay 4 mùa tạo hoá. Giữa tiết trời lạnh giá ấy, ngắm những cây, cành khẳng khiu, run rẩy còn đọng trên mấu, mắt từng hạt sương trong veo, trinh nguyên của buổi ban mai. Và như một kiếp đời tu hành khổ hạnh, ép xác để ngộ tìm chính quả, những thân đào gầy khô suốt cả một mùa Đông trút lá, rũ đi thứ bụi phàm trần, lặng lẽ chắt gạn những tinh tuý của trời đất, để rồi chợt bừng nở màu hồng tươi nõn nà báo hiệu Xuân sang.

 

Màu hồng tươi, vẹn nguyên của tiết trời đầu Xuân khiến lòng người nao nức. Già thêm manh áo mới, trẻ háo hức đợi tiền mừng tuổi. Cả ngàn đời nay là thế, cứ lặp lại cái vòng quay tròn đều đặn, nhẹ tênh của trái đất. Còn bầu trời khi cao, lúc thấp với những đám mây lang thang bị từng trận gió vô tình vần vũ. Chỉ có hoa đào là vô tư, cứ đến mùa Xuân thì nở. Tuy có lúc... hoa đào còn thẹn với gió Đông, nhưng bổn phận của đào cũng như kiếp thì con gái, chúm chím môi, bất chợt động cựa, nở bung sắc màu sặc sỡ, để từng chú ong chăm chỉ tìm kiếm thứ mật ngọt hoa đào hiến tặng cho con người.

 

Có lẽ từ thuở tạo hoá ban phát cho mặt đất những hạt giống, mùa màng, tạo hoá đã không quên cho mùa Xuân hoa đào. Qua năm tháng, đào trở thành loài cây gần gũi với con người, gắn bó với các nền văn hoá khác nhau thông qua những câu chuyện cổ tích, dân gian và quan niệm tín ngưỡng. Người Nhật Bản cho rằng: Nhân vật Momotaro, một nhân vật bán lịch sử và cao quý nhất của đất nước họ được sinh ra từ một quả đào khổng lồ. Người Trung Quốc quan niệm đào có tính chất huyền bí liên quan tới trường thọ. Còn với người Việt Nam, đào được coi là loài hoa có uy quyền dùng xua đuổi ma quỷ... Mỗi khi chúng ta rước cành đào vào nhà, cắt tỉa gọn đẹp, cắm trong lục bình mà cảm nhận như cả mùa Xuân ùa về, ấm nồng nàn với bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ. Trên ban thờ, trầm hương thắp mời tổ tiên thoảng thơm, khiến gian phòng trở nên sang trọng, giờ khắc giao mùa vì thế linh thiêng hơn.

 

Có lẽ trên hành tinh xanh này, không ở đâu hoa đào được tôn quý như ở Việt Nam. Bên ban thờ ngày Xuân, cành hoa đào được coi như một kiệt tác nghệ thuật. Nhà ai, dẫu Tết đến rượu, cơm đủ đầy mà không có cành đào thì cảm nhận lòng hụt hẫng, hẹn Xuân sau có cành hoa đào làm tri ân tri kỷ... Ngay những năm tháng đất nước chiến tranh, sau từng trận bom B52 của giặc Mỹ trút xuống chợ hoa Hà Nội vẫn không thể thiếu đi những cành đào vẹn nguyên, tươi tắn trước đôi mắt cô gái lúng liếng, sắc lẻm dao cau. Cũng theo suốt dòng thời gian, hoa đào còn được bao tài nhân họa trên từng phong thư mừng năm mới. Để bao thi sĩ phải thảng thốt với câu hát: Ai lên xứ hoa đào, đừng quên bước lần theo đường hoa/Hoa bay đến bên người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai... 

 

Trong heo may ngắm nụ đào chúm chím, mấy ai không hoài tưởng đến Đà Lạt mông mơ, quê hương của đào phai, đào bích và hàng chục loại hoa đào đơn, kép làm đẹp mắt người. Ngày Xuân, muôn hoa đua nở, song hoa đào vẫn chiếm được một vị thế trang trọng trong lòng người. Bởi lẽ đó mà ngày Xuân, hoa đào có mặt ở khắp nơi, trong biệt thự sang trọng, trong mái tranh nghèo, nơi công sở và cả ở chốn dành cho người lang thang cơ nhỡ, nơi những bệnh nhân hoá dại lúc trời, trở mùa... Giản đơn rằng hoa đào không kiêu sa, không kén người ngắm, không chọn chỗ cao sang mới nở hoa, mới hiến tặng vẻ đẹp dịu dàng vốn có... Từ đất mà ra, trên chót vót Lũng Cú của cao nguyên đá Hà Giang; nơi Sa Pa (Lào Cai) lạnh giá mây mờ... đào đã ra hoa trong tiết trời nghiệt ngã. Điều kỳ bí là trên từng gốc đào cổ kính, sần sượng lại mang những mùa Xuân. Đó là những chồi, nụ trẻ trung, hé nở như đôi môi xinh của cô gái làm duyên. Nhìn đào nở, mỗi người thêm tuổi mới, cũng có ai đó chạnh lòng rằng mình đang về gần hơn với đất... Chỉ có hoa đào là vô tư, trẻ trung mãi với sắc hồng.