Mang hương thơm cho ngày Tết

14:48, 30/01/2011

Chẳng biết từ bao giờ, cứ vào dịp Tết, tôi lại có niềm yêu thích ngửi mùi thơm của những nén hương đen Đồng Mỗ. Mùi hương ấy nhẹ nhàng, thoang thoảng khi được thắp lên bán ở chợ từ giữa tháng Chạp và ấm áp, phảng phất rất lâu trong nhà suốt những ngày Tết. Năm nay, tôi đã quyết định tìm đến Đồng Mỗ  với mong muốn được tìm hiểu về nghề làm hương…

 

Chúng tôi vào thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ - người đã gắn bó với nghề làm hương từ rất nhiều năm nay. Thân sinh của bà Tỵ là cụ Nguyễn Xuân Tắc, 1 trong 2 người đã đưa nghề làm hương từ Nam Định lên Thái Nguyên từ đầu thế kỉ 20 và làm nên thương hiệu nổi tiếng: hương Đồng Mỗ. Cụ đã mất, trong số 13 người con của cụ, ngoài bà Tỵ còn có 2 người khác con khác nối nghiệp cha ông.

 

Bà Nguyễn Thị Tỵ vóc người gầy nhỏ, nhanh nhẹn dẫn chúng tôi xuống căn phòng nhỏ, nơi dành để làm hương. Vừa bước tới cửa phòng, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm ấm áp đặc trưng của mùi hương. Tăm hương màu trắng, màu đỏ xếp la liệt trong những chiếc mẹt và trên những chiếc bàn nhỏ. Hàng trăm cây hương lớn còn ướt dựng quanh phòng. Những thắc mắc của chúng tôi về cái mùi hương dìu dịu, ấm áp tạo cho lòng người cảm giác linh thiêng và thành kính ấy được bà Tỵ giải đáp cặn kẽ: Đó là mùi thơm của nhựa trám trắng trồng ở Võ Nhai. Hương đen Đồng Mỗ chỉ làm từ nhựa trám và than của cây đỗ tương, không pha chế bất kỳ một loại phụ gia hoá học nào. Chính vì vậy, khi đốt có hương thơm nhẹ, không gây đau đầu… và vẫn cháy bình thường dù đang ướt.

 

Cầm trên tay những cây hương dài, thân ánh lên màu đen sẫm, bà Tỵ cho biết: Để có sản phẩm bán trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng Giêng hàng năm, người làm hương như bà đã đi chọn mua cây mai, cây bương, để mỗi lúc thời gian rảnh rỗi là chẻ ra làm tăm hương. Khi chẻ xong, những cây tăm được vót nhẵn, ngâm nước kỹ, sau đó vớt lên, vò sạch, phơi khô. Nhựa của cây trám trắng rửa sạch, cho vào thùng nấu chảy, lọc qua rá. Than của cây đỗ tương được đốt từ cuối vụ đỗ vào tháng 5, 6 hoặc tháng 9,10 nghiền nhỏ, rây lấy bột mịn. Nấu chảy nhựa trám trắng rồi trộn với than đỗ tương theo tỷ lệ nhất định tạo đủ độ dẻo, thơm và có màu đen bóng, nhồi kỹ với nhau, nặn thành từng quả. Khi se hương, lại đặt từng quả đó vào chậu đun cách thủy, cho hỗn hợp này mềm dẻo, sau đó véo từng ít một vê vào tăm tre và lăn cho tròn, dựng lên để hương tự khô.

 

Thế nhưng, để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu, chế biến rất kỹ. Tăm hương được ngâm cẩn thận, rửa sạch và phải chẻ từ cây mai bánh tẻ, gióng dài thì hương mới cháy đượm. Đốt cây đỗ tương phải bảo đảm thân cây chín đều, nếu quá lửa thì bị cháy thành tro, nếu non lửa thì lõi cây bị sống, cũng không đạt yêu cầu. Nhựa cây trám trắng phải chọn loại nhựa bở, nếu dùng loại nhựa dẻo, thì hương không cho vòng lộc đẹp, người thắp không cẩn thận còn có thể bị bỏng… Và điều quan trọng nhất là khi pha trộn nhựa trám trắng và than đỗ tương phải theo công thức nhất định. Bà Tỵ cười đôn hậu nói thêm với tôi: “Nén hương là sợi dây liên lạc với thế giới tâm linh, nghề làm hương là nghề “tích phúc” cho con cháu. Vì thế, tâm niệm lớn nhất của bác là giữ gìn được nghề truyền thống của gia đình...

 

Tạm biệt các bà Tỵ và căn phòng nhỏ làm hương, tôi hiểu ra rằng, sau mỗi que hương mảnh mai là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, là sự yêu nghề và là cái tâm của những người làm nghề tiêu biểu như gia đình các con của cụ Nguyễn Xuân Tắc. Tôi mong nén hương Đồng Mỗ sẽ còn mãi, để mỗi lần ngửi thấy mùi hương là lại thấy Tết đang về…