Một thoáng Khuổi Mèo

11:23, 24/01/2011

Dự định từ lâu của tôi là sẽ lên thăm xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) để được thưởng thức hương vị đặc biệt của món mèn mén, được lắng nghe tiếng khèn làm mê đắm lòng người, được ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông. Đến hôm nay, khi trên khắp núi đồi, những cành cây rừng đang đua nhau đâm chồi, nảy lộc - tín hiệu về một mùa xuân mới đang về, tôi mới lên được nơi này...

 

Từ UBND xã lên xóm Khuổi Mèo, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường rừng hơn 8km. Dừng chân ở cánh đồng xóm Bản Chương, anh Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đoàn xã vừa chỉ tay lên phía ngọn núi cao tít mờ sương vừa giới thiệu: Khuổi Mèo đó, trông thế thôi chứ thời tiết nắng ráo như hôm nay thì đường lên đó dễ lắm, xe máy có thể chạy từ đầu đến cuối bản. Đúng như lời anh Nam, chúng tôi chạy xe liền mạch chỉ 30 phút là đã đến bản.

 

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là bác Vương Văn Dinh, Trưởng xóm Khuổi Mèo. Nói về những đổi thay của bản làng, bác Dinh phấn khởi cho hay: Vài năm trở lại đây, nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm nên cuộc sống của đồng bào trong bản đã khá hơn trước rất nhiều. Xóm đã có nhiều cái mới so với 7-8 năm về trước. Cái mới đầu tiên phải kể đến là đường đi đã dễ hơn. Trước đây, đường lên Khuổi Mèo lởm chởm toàn đá tai mèo, khó đến độ con trâu còn không đi nổi. Năm 2006, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự góp sức người dân trong bản, đường đã được mở rộng hơn. Ngày nay, nhiều gia đình ở Khuổi Mèo được nhà nước hỗ trợ làm được nhà sàn, ổn định chỗ ăn ở, chỉ lo làm sao trồng cho được cho thật nhiều ngô. Chương trình làm nhà 167 của Chính phủ đã giúp đỡ cho 7 hộ dân trong bản làm được nhà sàn để ở, còn nhà 134 thì nhiều lắm, không còn nhớ nổi nữa. Đồng bào trong bản còn được Nhà nước hỗ trợ tiền để mua bò. Giờ thì nhà nào cũng có từ 1-2 con bò trở lên. Có nhà đã nuôi được bò đem bán lấy tiền mua xe máy. Năm 2007, Khuổi Mèo được Nhà nước đầu tư xây trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non Tiên Sơn, 94 học sinh của bản đã được học trong ngôi trường xây bằng gạch. Chúng tôi thấy phấn khởi lắm!

 

Ngồi quây quần bên bếp lửa rực hồng của gia đình bác Dinh, câu chuyện bác kể đã đưa chúng tôi trở về thời điểm hơn 30 năm về trước, khi  cuộc sống của đồng bào nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Đó là vào năm 1979, 7 hộ dân tộc Mông từ Quảng Hòa (Cao Bằng) đã di cư về sinh sống ở đây. Lúc đó, Khuổi Mèo chỉ là một vùng đất rất hoang sơ. Nhưng bù lại, đất đai nơi đây phì nhiêu, cây lúa, cây ngô lên rất xanh tốt. Thế rồi, số hộ dân chuyển về đây sinh sống ngày càng nhiều. Và giờ đây, con số đó đã là 78 hộ dân với 430 nhân khẩu định cư ở mảnh đất phì nhiêu nhưng cũng đầy nắng, gió này...

 

Mục tiêu đặt ra trong chuyến đi là phải lên tới chòm dân cư đang sinh sống tận cuối bản, xa tít trên núi cao, chúng tôi chia tay bác Dinh để tiếp tục cuộc hành trình. Càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp, từng đợt gió thổi lạnh nhức như cắt, như khứa vào da mặt. Từ đây nhìn xuống, chúng tôi đã có thể ngắm nhìn được toàn cảnh xóm Khuổi Mèo. Những ngôi nhà sàn nhỏ bé hiện lên trong làn khói sương mỏng mờ ảo, khiến cho cảnh vật thiên nhiên nơi đây vừa thơ mộng, vừa thanh bình và cũng rất hùng vĩ.

 

Trò chuyện với chị Trương Thị Mai, ở Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) mới về đây làm dâu chưa lâu, được biết: Phụ nữ dân tộc Mông khi đi lấy chồng đều phải tự mình may hoặc thêu một thứ gì đó để khoe với bố mẹ hai bên nội ngoại và bạn bè. Tôi đang cố gắng làm sao thêu chiếc thắt lưng cho thật đẹp để Tết này được nhận lời khen của mọi người thân. Nói về chuyện Tết, chị Trương Thị Trợ, cũng là cô gái dân tộc Mông sống ở Chòi Hồng về làm dâu ở đây được 2 năm tâm sự: Mình cũng đã may xong chiếc thắt lưng để diện Tết rồi. Mấy bữa trước, trời nắng ấm, mấy chị em đã lấy đủ củi đun trong mấy ngày tết. Thường thường, cứ đến khoảng 25 tháng Chạp hằng năm, người dân trong bản lại rủ nhau xuống chợ vừa đi chơi, vừa mua thịt, mua kẹo về ăn Tết. Vui lắm! Tết đến lại càng vui hơn, tiếng khèn của trai làng lại dập dìu ngân nga... Anh Vương Văn Mé cũng khoe với chúng tôi: Nhà mình đã dọn xong nương bãi để sau Tết trồng ngô, cũng đã lấy được đống củi to để sưởi lửa, uống rượu trong ngày Tết...

 

Đi đến gia đình nào, chúng tôi cũng bắt gặp bà con ở đây đang chuẩn bị mọi thứ để đón Tết. Đời sống đang khá dần lên, bà con có điều kiện tổ chức đón Xuân đầy đủ hơn. Mấy năm nay, mỗi khi Tết đến, nhà nào cũng chuẩn bị nhiều mèn mén, bánh, thịt gà, lợn... để ăn Tết. Đến nay, hầu hết các hộ dân ở Khuổi Mèo đều đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để đón thời khắc Xuân sang.