Rưng rưng xuân bảo trợ

09:11, 31/01/2011

Ngày xuân, nhìn vuông bánh chưng, những người lớn tuổi đang sống trong Trung tâm (TT) Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) lại mủi lòng, rưng rưng thèm khát có một mùa xuân đoàn tụ cùng người ruột thịt.

 

Vâng! Gần 100 con người đang sống ở đây, nhỏ mới vài tháng tuổi, cao niên đã... “gần đất xa trời”, tất cả họ đều có cha sinh, mẹ đẻ, có chốn chôn rau cắt rốn. Nhưng con tạo trớ trêu, không ít người khi về già không nơi nương tựa, có những người bị con cháu bỏ rơi. Và ở đây còn có những bé em bị cha mẹ chối bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng - họ trở thành những công dân của TT.

 

Người có sống lâu năm nhất trong TT này phải kể tới bà Vương Thị Gái, gần 80 tuổi. Khi chúng tôi đến thăm, hỏi chuyện tết nhất, bà Gái vô tư bảo: Cũng có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành... đủ cả. Năm nay là năm thứ 25 bà Gái đón xuân ở đây nên bà đã quen với những mùa xuân không con cháu, không người ruột thịt bên cạnh. Bù lại, bà có những đứa cháu do người đời bỏ rơi đến thăm nom. Chúng hồn nhiên, vô tư và lớn lên bằng sự cưu mang, dạy dỗ của cán bộ, viên chức trong TT.

 

Ông Hoàng Văn Triệu, Giám đốc TT cho biết: Có đêm, mọi người trong TT bị thức giấc vì tiếng khóc ré của trẻ sơ sinh. Chạy ra phía ngoài cổng, ai nấy giật mình, xa xót vì thấy một “hài đồng” đỏ au, đầu chưa ráo máu đang ngọ nguậy khóc trong đống tã. Các cụ già xoa xuýt: Thật là nghiệp chướng... Trở về phòng, lên giường nằm mà nước mắt chảy tràn, không sao ngủ được vì thương đứa nhỏ từ nay mồ côi.

 

93 tuổi, bà Nguyễn Thị Túc vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Khi vào thăm, bà lấy cho chúng tôi xem từng tấm ảnh bà chụp cùng những đứa trẻ mồ côi, tấm giấy chúc thọ của Hội Bảo thọ T.P Thái Nguyên. Nhìn khắp lượt gian phòng ở của bà, chúng tôi thấy kê 2 chiếc giường một, cái hòm tôn, chiếc tủ và mấy bức tranh, ảnh treo trang trí trên tường nhà. Tất cả đều cũ kỹ, song đó là miền ký ức riêng mà bà Túc cũng như nhiều người già cô đơn “ngày xưa” đã có. Bà Túc thở dài, bảo: xuân 2011 này là năm thứ 16 tôi ăn Tết ở đây... Đôi mắt nâu đục của bà chợt đỏ hoe, oà chảy thành từng giọt, lăn dài trên hốc má nhăn nheo. Bà nói trong tiếng nấc: Cháu ơi, bà không có người thân nên mới vào đây nương náu nốt phần đời còn lại.

 

7 năm nữa bà Túc đầy tuổi 100, người đời bảo đó là tuổi vàng và được Chủ tịch nước tặng vải lụa đỏ. Vậy mà đến tuổi này bà vẫn xăm xắn bắc ghế lấy cho chúng tôi xem những tấm ảnh cất kín trên nóc tủ, lúc lại chạy sang phòng bên mượn thêm ghế mời khách ngồi. Số phận không cho bà có một mái ấm riêng, nhưng bù lại bà có sức khoẻ dẻo dai hơn người. Tuy cao tuổi nhất ở TT, song bà Túc vẫn tự lo liệu cho mình mọi sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Cùng trong dãy nhà cấp 4 với bà Túc, chúng tôi gặp một người đàn ông mù đang tự gấp chăn màn, dọn dẹp nhà cửa. Ông là Nguyễn Văn Dục, hơn 60 tuổi. Ông Dục vào TT từ hơn 10 năm nay. Tuy trong TT có “khẩu hiệu” người khoẻ giúp đỡ người yếu, người sáng mắt giúp đỡ người mù, nhưng ông Dục vẫn tự xoay xở, tự làm những việc riêng tư. Khi xuân về, Tết đến, ông Dục được chia khẩu phần ăn như mọi người. Khi ấy, ông cất từng khẩu phần là bánh chưng, bánh ngọt... trong phòng để đợi ngày Tết, các cháu mồ côi sang chơi, ông mừng tuổi cho các cháu. Ông bảo: Mình già rồi, ăn được mấy đâu, thương đám trẻ như con, cháu mình thôi...

 

Thế mới hay trong khó khăn, những người cùng cảnh ngộ luôn biết cách nương tựa vào nhau. Bởi 3 ngày Tết, kinh phí Nhà nước cấp 25.000 đồng/người/ngày, TT hỗ trợ thêm cho mỗi người 25.000 đồng/người/ngày. Như thế, chế độ ăn cho mỗi người cộng lại cả 3 ngày Tết được 150.000 đồng. Để dịp đầu xuân mới được tươm tất, từ trước Tết cả tuần, có cụ còn ra chợ mua hoa tươi, quả ngọt, bánh kẹo về bày biện, trang trí và mời các cháu sang... phá cỗ.

 

Hỏi chuyện tiền ăn tiêu ngày Tết, bà Công Thị Bính, 77 tuổi, buông cuốn sách đang đọc dở trên tay, bảo: Tiền do chúng tôi tham gia làm tăm tre, trồng rau bán cho TT từ dạo trong năm... Để có tiền, các cụ vào đây có mấy ai chịu ngồi yên. Có cụ ngày nào cũng cặm cụi làm tăm tre cùng các cháu, cụ khác lại thích trồng rau, chăn gà... Được bao nhiêu, bán lại cho bếp ăn tập thể lấy tiền trầu thuốc.

 

Xuân mới, đời người thêm tuổi, bà Nguyễn Thị Mai nay đã tóc trắng màu sương. 77 tuổi đời còn gì, nhẩm lại thì bà Mai đã có thâm niên 25 năm sống và thờ di ảnh chồng trong TT. Là vợ liệt sĩ nên bà Mai được TT cho ở riêng 1 phòng để có ban thờ thờ chồng. Thấy chúng tôi đến thăm, bà lấy di ảnh chồng, khoe: “Chồng tôi đấy”... rồi ôm di ảnh chồng vào khuôn ngực già nua. Gian phòng chợt trở nên yên lặng. Tôi cảm nhận thấy từng tiếng thở dài nao lòng, thổn thức từ bao trái tim cô đơn. Rồi chợt như oà vỡ bởi tiếng nấc nghẹn, rưng rưng của bà Đào Thị Ngọc, 65 tuổi. Bà Ngọc vào TT đến xuân này vừa vặn 20 năm. Cũng chừng ấy năm bà phải chứng kiến không ít chuyện buồn, vui của những người ở đây. Bà kể: Có người con thuê xe ô tô mang mẹ già đến bỏ ở cổng TT, có cụ không sống được cùng con, cháu, đành phải trút bỏ để vào đây sống. Hơn thế nữa, có không ít người làm cha, mẹ lại nhẫn tâm mang con mình ném ra ngoài đường... Câu chuyện của bà Ngọc khiến mọi người bùi ngùi, nghĩ suy.

 

Xuân năm nay, ở TT có gần 50 cháu đón Tết cùng các cụ già neo đơn, trong đó 6 cháu có HIV, 2 cháu bị bệnh đao, 2 cháu bị thiểu năng trí tuệ, 2 cháu bị não úng thuỷ, 3 cháu bị bệnh bẩm sinh và 3 cháu bị viêm gan B, viêm gan C. Từng con số ấy khiến mọi người trong xã hội phải nhói lòng, các cháu sẽ ra sao nếu như hàng ngày thiếu vắng bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu?

 

Giám đốc Hoàng Văn Triệu cho biết: Tết năm nay, TT sẽ có 2/3 cán bộ, viên chức ở lại chăm lo cho các cụ và các cháu đón xuân. Đây là năm đầu tiên TT có số cán bộ, viên chức trực Tết đông nhất, bởi chúng tôi mong muốn được góp phần tạo cho những phận đời không may mắn ở đây được mừng xuân như bao người trong xã hội…