Sinh viên nước ngoài đón Tết Việt

09:58, 27/01/2011

Lý Lan Trụ bảo: Tôi thấy rất hồi hộp khi ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam mỗi lúc một gần. Vì với tôi, đây là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà, xa người thân và ở lại ăn Tết tại Việt Nam.

 

Lý Lan Trụ người Quảng Tây, là sinh viên chuyên ngành tiếng Việt (Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh - Trung Quốc). Trụ sang Việt Nam học thêm tiếng Việt tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Cũng như các sinh viên nước ngoài khác, Trụ ở trong ký túc xá của Trường, cùng học tập, cùng ăn cơm căng tin Nhà trường và có chung nỗi nhớ quê hương.

 

Những ngày Tết, các bạn đều trở về quê hương, nên ký túc xá trở nên vắng ngắt. Nhất là khi từng trận gió mùa từ phương Bắc tràn về, cái lạnh cùng nỗi nhớ nhà nhiều lúc khiến Trụ rơi nước mắt.

 

- Nhớ là thế, sao Trụ không về sum họp cùng gia đình trong mấy ngày xuân? Tôi hỏi.

 

-Tôi là người ham mê môn tiếng Việt. Tôi học tiếng Việt nên muốn hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người Việt Nam. Hơn thế nữa, mấy ngày Tết không về, tôi sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để đóng học phí hoặc mua quà lưu niệm cho người thân khi trở về nước.

 

Lớp học của Trụ có 49 sinh viên, các em đều sử dụng thành thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, cách phát âm còn có phần líu ríu. Trước Tết nửa tháng, lớp có 6 sinh viên đăng ký ở lại cùng ăn Tết Việt. Mọi người chia làm 2 phòng, 1 phòng nam và 1 phòng nữ. Ngày Tết, sinh viên nữ ra chợ mua giấy đỏ về cho sinh viên nam cắt chữ Phúc, treo ở 2 cửa phòng. Rồi trang trí thật nhiều màu đỏ lấy may. Chuyện ăn, uống thì cùng đóng góp mỗi người một chút, nhóm con gái ra chợ mua đậu phụ, cá về chế biến ra các món ăn. Vì theo quan niệm của người Trung Quốc, cá và đậu phụ tượng trưng cho sự dư thừa, phú quý. Nhưng do nhớ nhà, các bạn đã lần lượt lỗi hẹn, trở về với gia đình. Cho đến ngày 26/1 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), Mạc Thịnh Hồng xếp đồ vào túi, nghèn nghẹn nói với các bạn: Tớ xin lỗi, tớ phải về quê hương Quảng Tây, bố mẹ, người thân đang chờ đợi tớ… Khu ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm càng trở nên vắng vẻ hơn. Cả 3 tầng nhà với hàng chục phòng ở dành cho sinh viên giờ chỉ còn lại 3 nữ sinh là Lý Lan Trụ, Trương Liên Thanh (Trung Quốc) và Sầm Ma Ny (Lào). Tuy nhiên, ngay dưới tầng 1 còn có cán bộ làm công tác quản lý ký túc xá của Nhà trường.

 

Anh Lê Minh Đức, Chánh văn phòng ký túc xá cho biết: Trong cả đợt nghỉ Tết, Ban quản lý ký túc xá sẽ dành 1 phòng để sinh viên làm nơi sinh hoạt, tiếp khách chung. Phòng tiếp khách có đầy đủ bàn, ghế, hoa quả, bánh kẹo… Ngoài ra còn có ti vi để sinh viên có thể xem bắn pháo hoa lúc giao thừa. Trong các ngày Tết, sinh viên người nước ngoài có thể ra ngoài, đến thăm, chúc Tết gia đình các bạn học người Việt Nam

 

Sau một lúc cặm cụi bên chiếc máy vi tính, Trương Liên Thanh hào hứng:

 

- Tết này tôi cũng sẽ mua bánh kẹo, hạt hướng dương để tiếp đón các bạn học Việt Nam đến chúc mừng.

 

- Thanh dự kiến mua nhiều nhất món gì? Tôi hỏi vui.

 

- Ngoài những thứ tôi vừa bảo, thì gạo, rau củ quả và một chút thịt lợn để sử dụng trong mấy ngày Tết.

 

- Sao bạn lại chọn phương án như vậy?

 

- Vì mấy người Tết (ngày Tết), căng tin Nhà trường nghỉ, hàng quán chắc cũng không pán (bán). Mình phải tự phòng thân. Nhất là theo phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam, ai cũng kén người xông đất, họ chọn con trai chứ không nhằm vào con gái.

 

Trương Liên Thanh nói chuyện hồn nhiên. Với Thanh, đây cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà. Nhưng nhờ có máy vi tính ở ký túc xá được kết nối mạng Internet, nên Thanh cũng như Trụ cùng “chát” về quê. Khi buồn, có thể lên mạng chơi games … Hỏi chuyện ăn Tết Việt Nam, Sầm Ma Ny (Lào) sau một thoáng nhớ nhà, bảo: Tôi cũng hồi hộp chờ đợi Tết. Vì tôi nghe các bạn Việt Nam bảo: Giao thừa là giờ khắc linh thiêng. Có bạn người Thái Nguyên còn mô tả về Tết với tôi: Lúc ấy trong ngực mình nhịp tim đập rộn ràng như tiếng chuông ngân. Tết thú vị thế nên tôi quyết định ở lại.

 

Có lẽ với Sầm Ma Ny, ở lại Việt Nam ăn Tết Nguyên đán sẽ cho cô nhiều cơ hội được thăm thú và hiểu biết hơn. Trong lịch của những ngày Tết, Sầm Ma Ny sẽ đến các trường học có sinh viên Lào ở lại đón xuân để thăm đồng hương, chúc Tết như người Việt Nam. Vì người Lào ăn Bun pi may (Tết) vào tháng 4 âm lịch hằng năm. Dịp này, các bạn cũng sẽ cùng nhau đến nhà cô giáo Chủ nhiệm chúc Tết, ăn bánh chưng với thịt nấu đông, hành muối và rủ nhau đi thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, thăm hồ Núi Cốc và tham gia một số trò chơi dân gian… 

 

Trao đổi với chúng tôi về chuyện sinh viên người nước ngoài ăn Tết trong ký túc xá, thầy Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết thêm: Từ nhiều năm nay, Tết nào Nhà trường cũng tổ chức cho các em sinh viên người nước ngoài ở lại ăn Tết. Vì thế, Nhà trường luôn chủ động kế hoạch tổ chức cho các em có một cái Tết chu đáo và còn có quà mừng cho các em.

 

Vâng! Tôi hiểu. Cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm luôn dành cho những sinh viên người nước ngoài một tình cảm thân thiện. Vì các em đều là những sinh viên xa quê hương, xa vòng tay của bố mẹ, người thân trong gia đình. Hơn thế nữa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, và nhiều nước trên thế giới cùng quan niệm: Người thầy được coi là người làm cha, mẹ thứ 2 của mỗi học trò.