Năm 2010, tình trạng khai thác, thu gom, tàng trữ, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Đồng Hỷ diễn ra rất phức tạp. Hoạt động này đã làm thất thoát tài nguyên Quốc gia và gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan chức năng của huyện đã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là đối với việc khai thác, buôn bán, vận chuyển quặng sắt, vàng sa khoáng trái phép. Trong năm, đã tịch thu trên 236 tấn quặng sắt khai thác, thu gom, buôn bán, vận chuyển trái phép; tịch thu gần 1,8 tấn quặng kẽm chì; thu giữ 113 xe máy các loại; xử phạt vi phạm hành chính 41 triệu đồng… Đến nay, về cơ bản tình hình khai thác, thu gom, tàng trữ quặng sắt và các hoạt động khai thác vàng, cát, sỏi trái phép đã được ngăn chặn, việc vận chuyển quặng sắt đã được kiểm soát chặt chẽ.
Để xảy ra tình trạng khai thác, thu gom, tàng trữ, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp là do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là chính quyền cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản trái phép chưa xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để các vụ việc, thường để các hoạt động này tái diễn trong thời gian dài.
Vì thế, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản năm 2010 của huyện Đồng Hỷ tổ chức sáng 14-1 ở trụ sở UBND thị trấn Trại Cau, đồng chí Dương Văn Lành, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản của huyện đã yêu cầu: Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng trong huyện phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của mình khi để xảy ra các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn. Để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trong thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân địa phương về việc thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về hoạt động khoáng sản. Tăng cường tối đa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép, đặc biệt là phải nâng cao vai trò trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực này. Tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các xã, thị trấn trong vùng trọng điểm với nhau và với lực lượng liên ngành của huyện cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản nhằm giữ vững tình hình ổn định, trật tự trong hoạt động khoáng sản ở huyện… Đây là những giải pháp hết sức cấp thiết và quan trọng, cần được các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc, triệt để trong thời gian tới.