Tuổi trẻ với môi trường quê hương

09:29, 26/01/2011

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2 nghìn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và hàng chục bệnh viện lớn nhỏ; trên 1,2 triệu dân sinh sống ở 9 huyện, thành, thị; cùng với đó là nhiều doanh nghiệp khai thác, khoáng sản… đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là với nguồn nước. Để góp sức trẻ trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ dòng sông quê hương nói riêng, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường…

 

Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu mô hình trồng tre chống sạt lở đất bảo vệ dòng sông Cầu đoạn chảy qua xã Hà Châu và Xuân Phương (Phú Bình) của ĐVTN nơi đây. Trong năm 2010, các ĐVTN đã trồng được gần 1 nghìn gốc tre ở hơn 2km bờ sông Cầu; tổ chức ký cam kết với 150 hộ dân ven sông Cầu không xả rác thải xuống dòng sông. 5 năm nữa, gần 1 nghìn gốc tre này còn mang lại thu nhập từ 20-30 triệu đồng.

 

Mô hình thứ hai, thanh niên tham gia bảo vệ dòng sông quê hương thị trấn Đu của tuổi trẻ huyện Phú Lương. Với việc phát động ĐVTN trồng một vườn cây ven bờ sông Đu, phát dọn các bụi cây ven bờ sông và khơi thông dòng chảy; tham gia phun các chế phẩm khử trùng tiêu độc cho môi trường, phòng ngừa dịch bệnh định kỳ 3 tháng một lần; đội tình nguyện tổ chức tuyên truyền về chương trình, mục tiêu Quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… Hay như mô hình “Nhà máy công viên” của ĐVTN Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả đối với môi trường làm việc của người lao động. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CNVC - lao động thông qua các biển báo, pano, hệ thống đài truyền thanh nội bộ... các ĐVTN còn có nhiều sáng kiến trong sản xuất góp phần tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, vật tư, giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường; lập phương án thu gom triệt để các phế thải như giẻ lau máy, giầy, quần áo bảo hộ đã hỏng… để nhóm lò. Ngoài ra, các ĐVTN còn trồng vườn hoa phong lan, đảm nhận chăm sóc vườn sinh thái, thiết kế chuồng nuôi chim bồ cầu ở khu vực các kho của nhà máy; tổ chức dọn vệ sinh, phun thuốc phòng chống dịch bệnh khu vực xung quanh nhà ăn ca, trạm y tế…

 

Đối với công tác bảo vệ môi trường khu dân cư thì tổ hợp tác môi trường phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) do các ĐVTN thực hiện đã giúp địa phương rất nhiều về cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, không còn hiện tượng rác thải vứt bừa bãi, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tổ hợp tác được thành lập tháng 10/2009 với 10 thành viên được tổ chức Đoàn hỗ trợ xe chở rác, quần áo bảo hộ lao động để hàng ngày tiến hành thu gom rác thải tại các khu dân cư. Bình quân mỗi ngày tổ thu gom khoảng 3m3 rác thải tập kết đúng quy định…

 

Trên đây chỉ là một số mô hình tiêu biểu với những việc làm cụ thể của các ĐVTN trên địa bàn tỉnh góp sức mình trong công tác bảo vệ môi trường. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng ban Thanh niên Công nhân nông thôn và đô thị Tỉnh đoàn cho biết: Các hoạt động thực hiện chương trình “Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương” được các cấp bộ đoàn tổ chức thường xuyên và rộng khắp, đồng thời, mở các đợt cao điểm như Tháng thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Tết trồng cây… Trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 186 hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường, của nguồn nước sạch đối với sự sống; các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông và nguồn nước. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, các cuộc thi viết, văn nghệ, tiểu phẩm… đều lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ với môi trường.

 

Toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 20 câu lạc bộ, đội, nhóm tuyên truyền bảo vệ môi trường với sự tham gia của 274 ĐVTN; đăng ký và thực hiện 247 phần việc thanh niên bảo vệ môi trường với trên 17 nghìn ĐVTN tham gia; thu gom được 755m3 rác thải; nạo vét 40km kênh mương nội đồng và khúc sông Cầu; làm mới 23km đường giao thông nông thôn; trồng được 250 nghìn cây xanh góp phần phủ xanh đất trống, giữ gìn môi trường thuộc lưu vực các dòng sông suối; tổ chức ký cam kết không xả rác thải, lấn chiếm lòng sông với trên 2.700 hộ dân sông quanh khu vực sông Cầu... Đặc biệt, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Đoàn đã xây dựng được mô hình Hợp tác xã Thanh niên bảo vệ môi trường tại xã Hùng Sơn và Tổ hợp tác Thanh niên bảo vệ môi trường ở xã Phấn Mễ (Phú Lương).

 

Tuy nhiên, qua một năm thực hiện công tác này ở cơ sở đã nảy sinh một số tồn tại, đó là hiệu quả của các hoạt động truyền thông chưa cao, nhận thức của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu nhi và nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ môi trường chưa thực sự trở thành hành động tự giác. Các đội tình nguyện chưa có sự gắn kết, phối hợp để duy trì hoạt động mà mới chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm, tháng cao điểm… Để từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên và đưa hoạt động bảo vệ môi trường của thanh niên ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả thì bên cạnh việc tăng cường thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN về bảo vệ môi trường, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành để đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở được tham gia các lớp tập huấn; cấp kinh phí tạo điều kiện cho ĐVTN xây dựng hệ thống pano tại các bến đò, bến nước có dòng sông Cầu chảy qua; hỗ trợ kinh phí, tài liệu tuyên truyền để duy trì hoạt động của mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, đội tuyên truyền lưu động, đội thanh niên xung kích về nước sạch và vệ sinh môi trường…