Xuân sớm ở xóm nhỏ vùng cao

09:39, 30/01/2011

Nằm cách trung tâm huyện 15km về phía Bắc, giáp ranh với huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), Đăng Mò vốn là một trong những thôn xa xôi và nghèo khó nhất của xã Quy Kỳ và huyện Định Hóa. Là thôn duy nhất của xã phải chịu cảnh không điện, không trường, không nước sạch, quá nửa gia đình trong thôn thuộc diện hộ nghèo… Nhưng đó là chuyện của những năm về trước. Diện mạo của vùng quê miền núi này đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực của chính người dân nơi đây.

 

Đăng Mò đổi mới

 

Đến xóm Đăng Mò những ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp không khí hồ hởi, nhộn nhịp của người dân trong thôn chuẩn bị đón Tết Tân Mão. Lúa vụ mùa đã thu hoạch xong, từng bao thóc được xếp đầy những khoảng tường xây vuông vắn ôm lấy bốn phía cột nhà sàn. Trong từng ngôi nhà, các tiện nghi sinh hoạt hiện đại như tivi, đầu đĩa, tủ lạnh và những chiếc xe máy đời mới giờ không còn xa lạ với bà con nữa. Những khoảng sân trước nhà của mỗi gia đình được phủ kín bởi những lát sắn băm trắng tinh. Trong nhà, ngoài vườn đã được quét dọn sạch sẽ để đón chào năm mới, một mùa vụ mới hứa hẹn nhiều thành công.

 

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sạm đen bởi gió rừng, nắng núi, ông Nĩnh Văn Ngân, 70 tuổi, thôn Đăng Mò, xã Quy Kỳ phấn khởi chia sẻ: Chỉ cách đây vài năm, trong khi 18 thôn, bản của Quy Kỳ đã có điện thắp sáng thì gần 50 hộ dân ở Đăng Mò vẫn còn làm bạn với cây đèn dầu. Do vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin thời sự, kiến thức về nông nghiệp đến được với người dân rất hạn chế. Khi ấy, trẻ em trong xóm từ lớp 1 đến lớp 4 cùng ngồi chung một lớp học được ngăn bằng vách liếp, chênh vênh trên sườn đồi cao hơn 4m so với mặt đường. Và mỗi khi thôn có việc, những mảnh liếp đó lại được tháo dỡ để trở thành hội trường. Cuộc sống vất vả lam lũ của bao lớp thế hệ người dân thôn Đăng Mò là một minh chứng sống để họ thấy được sự thiệt thòi của bản thân do thiếu học, thiếu kiến thức. Hơn 10ha đất nông nghiệp của thôn quanh năm chỉ gieo cấy 1 vụ với các giống lúa cũ năng suất thấp, không trồng cây màu, không ngành nghề phụ nên nhiều gia đình ít ruộng thường xuyên thiếu đói từ 2-3 tháng/năm. Cả xóm có quá nửa gia đình thuộc diện hộ nghèo nên mỗi khi hết gạo, người dân lại cầm dao, đeo gùi lên rừng khai thác lâm sản.

 

Năm 2006, thôn  Đăng Mò được đầu tư xây dựng 3 phòng học kiên cố cho học sinh tiểu học trị giá 700 triệu đồng. 100% trẻ em của thôn Đăng Mò đều được cha mẹ quan tâm đầu tư cho để đến trường, và tính đến năm 2010 là vừa tròn 27 năm Đăng Mò có những học sinh thi tốt nghiệp lớp 12. Đây là một dấu ấn quan trọng khiến cho người dân trong thôn rất vui mừng, lạc quan về xây dựng tương lai bằng con đường tiếp cận tri thức. Năm 2007, thôn được đầu tư trạm biến áp, lần đầu tiên được sử dụng điện lưới Quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xóm tiếp thu khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Tỉnh lộ 268 được cải tạo và mở rộng giúp việc giao thương của Đăng Mò trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm đã được canh tác 2 vụ với các giống lúa mới có năng suất cao. Hơn 340 ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, trong đó có hơn 100 ha là trồng mới, bà con còn biết trong xen canh những cây ngắn ngày như: sắn, gừng, giềng… vào diện tích rừng trồng mới để tận dụng đất.

 

Ông Lường Minh Lai, Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Hiện cả xóm có 56 gia đình thì chỉ còn 12 hộ nghèo theo tiêu chí mới, trung bình mỗi gia đình có 5-7 ha rừng trồng và khoanh nuôi. Trong một vài năm nữa khi những diện tích rừng này đến tuổi khai thác thì đời sống của bà con sẽ được nâng lên thêm một bước nữa.

 

Xuân đến sớm

 

Cuối đông, cái lạnh ở vùng cao Định Hóa thêm phần se sắt nhưng không vì thế mà không khí đón tết ở Đăng Mò kém phần rộn ràng. Không còn cảnh nghỉ chơi Tết, cỗ bàn tốn kém trong cả tháng Giêng như vài năm trước. Tuy vậy, bà con trong thôn vẫn duy trì những nét truyền thống trong cách ăn Tết Nguyên đán ở địa phương và của dân tộc mình.

 

Mấy năm gần đây, năm nào cũng vậy, cứ đến chiều 28 tháng Chạp, mọi công việc chuẩn bị Tết của gia đình bà Trần Thị Đạo đã hoàn thành. Mùa vụ kết thúc, toàn bộ dụng cụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng, cày, bừa được thu gom lại, dán giấy bản màu và những tấm bùa nhỏ vào chuôi các dụng cụ. Với quan niệm của đồng bào dân tộc Sán Chỉ (chiếm hầu hết ở xóm) thì đây là những vật linh thiêng đã gắn bó, giúp con người làm ra của cải vật chất, tạo nên sự no ấm. Do đó, những dụng cụ này cũng phải được nghỉ ngơi để “ăn tết”, chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới. Bên cạnh thịt lợn, thì rượu và bún là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người dân. Hầu hết các gia đình ở Đăng Mò đều có nồi chõ để tự nấu rượu. Theo bà Trần Thị Đạo thì đây là loại rượu được nấu bằng từ men được làm bằng các loại quả, lá trên rừng và gạo bao thai địa phương nên có vị thơm nồng. Bên cạnh đó, mỗi gia đình đều tự làm từ 2-3 mẹt bún để ăn trong dịp Tết.

 

Trước đây, ở Đăng Mò có chung một cái miếu ở giữa thôn để thờ cúng Thổ công. Cứ sáng mùng 1 Tết là cả thôn tập trung tại miếu, góp xôi thịt, đặt lễ dâng hương để cầu khấn mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, rồi tổ chức ăn uống tập thể. Nay miếu không còn, nhưng bà con vẫn giữ tập tục góp rượu thịt và ăn chung vào buổi sáng ngày đầu năm. Cụ Lý Thị Thành, 96 tuổi (là người già tuổi nhất trong thôn) cho biết: Đây là dịp để mọi cùng gặp mặt tăng cường tình đoàn kết xóm làng, gửi đến nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của ông cha…

 

Rời Đăng Mò khi ánh lửa hồng đã ấm áp trong mỗi nếp nhà, nhìn cảnh người dân tất bật chuẩn bị đón Xuân vui Tết trong không khí hối hả, rộn ràng chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình, yên vui của trên từng khuôn mặt mỗi người. Tin tưởng rằng, đời sống của bà con xóm nhỏ này, cùng với nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa khác sẽ tiếp tục đổi thay trong năm mới cùng với sự khởi sắc đi lên của đất nước.