Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401 nghìn đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501 nghìn đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
Mức chuẩn nghèo quy định nêu trên là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chính sách kinh tế, xã hội khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Được biết, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.
Một số địa phương đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (chuẩn cũ) như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Đối với 62 huyện nghèo, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tỷ lệ hộ nghèo trung bình đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 37% (vào cuối năm 2010), bình quân giảm 5%/năm, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% như Nghị quyết 30a đề ra.
Các con số trên minh chứng cho những nỗ lực không ngừng suốt 5 năm qua trong công cuộc giảm nghèo.
Từ 2006 – 2010, khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn với mức vay bình quân 7 – 8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt 103,3% kế hoạch năm. 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật được triển khai. 150 ngàn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí.
2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo. 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở.