Cần nhiều biện pháp để giảm nghèo

11:31, 10/02/2011

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và cả người dân, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2010 chỉ còn 10,8%. Tuy nhiên, khi Chính phủ nâng mức chuẩn nghèo mới lên 400 nghìn đồng/người tháng (hộ nghèo ở nông thôn) và 500 nghìn đồng/người/tháng (hộ nghèo ở thành thị) thì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh lại trở về con số 20,57%. Tăng mức chuẩn nghèo sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, nhất là đối với các huyện kinh tế còn khó khăn...

 

Giảm tỷ lệ hộ nghèo là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế vì đây là yếu tố căn bản để tạo sự ổn định và đồng thuận trong xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân. Do vậy, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2011-2015 tiếp tục đề ra chỉ tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên và kết thúc nhiệm kỳ sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống dưới 10%. Thực hiện mục tiêu này, ngoài việc triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách của Trung ương trong công tác giảm nghèo, các ngành liên quan của tỉnh đã, đang tham mưu với tỉnh để kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đãi ngộ để hỗ trợ cho công tác giảm nghèo theo chuẩn mới…

 

Bước đầu, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được xác định và xuất phát tốt nhưng phía trước còn chống chất những khó khăn vì cơ chế chính sách có sự bổ sung, một số địa phương sau khi gặt hái thành công trong công giảm nghèo nay có thái độ chủ quan. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với chúng tôi về vấn đề này đã cho biết: Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, giai đoạn 2011-2015 thấp hơn 0,5% so với giai đoạn 2006-2010 nhưng để hoàn thành được kế hoạch không phải dễ vì phần lớn những hộ nghèo còn lại đều thiếu tư liệu sản xuất, khuyết tật, thường xuyên ốm đau… Điều khó khăn nữa là mức thu nhập của người nghèo theo chuẩn mới tăng lên nhưng nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng ở các địa phương khó khăn, các chính sách đãi ngộ trực tiếp cho người nghèo chưa theo kịp. Do vậy, để tiếp tục cán đích chỉ tiêu giảm nghèo trong nhiệm kỳ này cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành trong tỉnh, sự nỗ lực nội tại của bản thân hộ nghèo.

 

Khi trao đổi với đại diện lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh chúng tôi cũng được chia sẻ, trong nhiệm kỳ này, cấp uỷ Đảng sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giảm nghèo. Trong đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn nhằm tạo cơ sở vật chất cho công tác giảm nghèo; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xuất khẩu lao động. Vấn đề giải quyết việc làm tại chỗ cho người nghèo được các địa phương trong tỉnh coi là giải pháp quan trọng nhất nên sẽ nâng mức cho vay vốn để hộ nghèo đầu tư sản xuất; mở các lớp tấp huấn để chuyển giao khoa học công nghệ; hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trước đây sẽ được nghiên cứu để chọn lọc duy trì những chính sách có ý nghĩa...

 

Đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Việc xóa nghèo triệt để là khó khả thi nhưng giảm nghèo xuống mức thấp nhất là trách nhiệm, mục tiêu của cấp uỷ, chính quyền thành phố. Từ kinh nghiệm của những năm trước, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, trên cơ sở đó sẽ giao trách nhiệm cho các đoàn thể ở cơ sở giúp đỡ các hộ nghèo. Riêng đối với những hộ nghèo yếu thế như: tàn tật, ốm đau thường xuyên sẽ được thành phố trợ cấp thường xuyên theo quy của pháp luật, đồng thời. vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm cùng chăm lo cuộc sống cho người nghèo…". Đồng chí Lê Ngọc Liên, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) người có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo của tỉnh cũng khẳng định: “Đầu tư cho cộng đồng nghèo là cần thiết nhưng việc hỗ trợ trực tiếp về vốn vay, tư liệu sản xuất, tập huấn kỹ thuật miễn phí mới thực sự giúp hộ nghèo làm ra của cải để ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo bền vững”.