Huyện Định Hóa hiện có hơn 30 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng chiếm khoảng 98%, bao gồm các loại: rừng đặc dụng 8.728ha, rừng phòng hộ 7.056ha và rừng sản xuất khoảng 15 nghìn ha. Xác định kinh tế đồi rừng là một trong những thế mạnh của địa phương, trong những năm qua huyện đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển, quản lý và bảo vệ rừng…
Trước đây, hầu hết diện tích rừng của Định Hóa đều là bạch đàn hoặc rừng tạp có hiệu quả kinh tế thấp, cùng với cơ chế hưởng lợi khi nhận khoanh nuôi và phát triển rừng chưa rõ ràng nên không khuyến khích được người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng. Từ năm 2005 trở lại đây, bên cạnh chính sách giao đất giao rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Ban quản lý rừng phòng hộ triển khai nhiều mô hình điểm về trồng và bảo vệ rừng tại nhiều xã như: Trung Lương, Lam Vỹ, Tân Thịnh… Trong đó hướng dẫn cụ thể chủ rừng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đồng thời tổ chức giao khoán trồng mới diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và tạo cơ chế thông thoáng cho người dân khai thác những diện tích rừng sản xuất khi đủ tuổi. Từ các mô hình này đã giúp người dân thấy được hiệu quả thiết thực, từ đó thay đổi quan niệm về kinh tế đồi rừng.
Ông Nguyễn Văn Phi, xóm 6, xã Phú Tiến cho biết: Trước đây toàn bộ 8ha rừng của gia đình tôi chỉ để rừng tạp và trồng bạch đàn, mỗi năm thu nhập từ rừng chưa được 10 triệu đồng. Từ năm 2005, tôi chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng cây keo lai. Đến nay, một số đã bắt đầu cho khai thác, ước tính mỗi ha cũng có trị giá từ 60 đến 80 triệu đồng. Ông Lai là một trong hàng trăm gia đình có diện tích rừng trồng lớn và kinh tế khá giả lên từ trồng rừng của Định Hóa. Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được gần 4.500ha rừng, trong đó 2.889ha rừng sản xuất, 1.095ha rừng phòng hộ và 508ha rừng đặc dụng.
Xác định để quản lý bảo vệ rừng tốt trước hết phải nâng cao được ý thức và trách nhiệm của người dân. Định Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng trong việc quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và các quy định khác của Nhà nước về bảo vệ rừng dưới nhiều hình thức như: phát tờ rơi, biển bảng tin, tuyên truyền lưu động, lồng ghép các nội dung bảo vệ rừng tại các hội nghị, cuộc họp của xã, thôn, bản. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 381 tổ quần chúng PCCCR tại tất cả các thôn bản có rừng. Tổ PCCCR có nhiệm vụ kiểm tra, nắm bắt tình hình về rừng và là lực lượng nòng cốt tại chỗ tham gia chữa cháy rừng. Ông Ma Văn Phan, Trưởng xóm đồng thời là Tổ trưởng tổ PCCCR thông tin với chúng tôi: Là xóm xa xôi nhất của xã Tân Dương, kinh tế của 50 hộ dân xóm Làng Bảy chủ yếu dựa vào 300 ha rừng. Nhờ làm tốt công tác PCCCR nên nhiều năm nay xóm không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tổ PCCCR của xóm đã được thành lập từ năm 2002 với 12 thành viên, bên cạnh việc tự ý thức về PCCCR, các thành viên trong tổ còn thường xuyên tuần tra, nhắc nhở bà con trong xóm phát quang rừng vào thời kỳ mùa khô.
Với nhiệm vụ chuyên môn của mình, lực lượng kiểm lâm của huyện cũng tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Năm 2010, Hạt Kiểm lâm huyện đã thành lập Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách. Bổ sung các biện pháp bảo vệ rừng theo phương châm 4 tại chỗ là: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác và vận chuyển lâm sản trên địa bàn. Trong năm, Ban quản lý rừng ATK Định Hóa đã tổ chức tập huấn cho gần 3.000 người dân về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ rừng, phối hợp mở 15 lớp tập huấn cho lực lượng dân quân tự vệ về PCCCR. Chính vì vậy, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Tổng số đã có 31 vụ vi phạm lâm luật, giảm 33 vụ so với năm 2009, thu giữ 63m3 gỗ quy tròn, giảm 82m3 gỗ. Các cơ quan chức năng đã cấp phép và giám sát 302 hồ sơ khai thác rừng với tổng số 5.157m3 gỗ. Toàn huyện chỉ để xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại khoảng 0,2 ha.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Cùng với việc quy hoạch chi tiết 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng, năm 2010 huyện Định Hóa đã triển khai mô hình thí điểm sát nhập 3 đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn là Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và Ban quản lý rừng cảnh quan ATK thành Ban quản lý rừng ATK. Qua đó, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ có sự tập trung, không chồng chéo, phiền hà cho nhân dân và chính quyền địa phương. Trong năm 2011, huyện đặt kế hoạch trồng mới 1.000ha rừng, đưa độ che phủ rừng lên 60%, tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng để đưa kinh tế đồi rừng ngày càng có vai trò lớn hơn trong cơ cấu kinh tế chung của huyện.