Nhiều ý kiến chuyên gia tại Hội thảo Khoa học về bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm tổ chức sáng 15/2 tại Hà Nội đều đề xuất việc cần đưa cụ lên bờ để kiểm tra bệnh
Cụ rùa bị tổn thương cơ học
GS Hà Đình Đức - Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, ông đã nhiều lần ghi nhận được hình ảnh cụ rùa bị thương. Đầu tiên là vào cuối năm 1996. Nguyên nhân được ông đưa ra là do những cọc đóng xung quanh chân Đảo Ngọc.
Lần thứ hai vào hồi 14h30’ ngày 24/3/1997.
Tiếp đến vào thời điểm ngày 24/3/1998, ông Hà Đình Đức tiếp tục ghi nhận được hình ảnh cụ Rùa mang vết thương trên dọc cổ bên phải. Vết thương sưng tấy màu đỏ hồng trông như có vết cứa chéo có thể do các chướng ngại trong hồ, hoặc do bọn câu trộm bằng lưỡi câu chùm gây ra. Đến năm 2002, GS Hà Đình Đức ghi nhận được hình ảnh vết thương đã thành sẹo…
Đa số các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, vết thương của cụ Rùa là do tổn thương cơ học.
Chuyên gia thuỷ sản Nguyễn Viết Vĩnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thương tích cho cụ Rùa trước hết do bị các thiết bị câu tại hồ của những người câu cá trộm.
Một số hình ảnh ghi lại gần đây cho thấy cụ còn bị săn bắt bằng cách đập bằng các vật cứng hoặc xiên bằng đinh ba. Rùa thở bằng phổi do đó trong khoảng thời gian nhất định phải ngoi lên bờ để thở và chính điều này tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi của mình.
Đối với những vết lở loét trên thân cụ Rùa, ông Vĩnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nên như do ô nhiễm nguồn nước, thiếu dinh dưỡng hoặc do rùa tai đỏ. Những vết lở loét có thể trầm trọng hơn nếu rùa tai đỏ cũng ăn thịt và tấn công vào những vết thương có sẵn trên cơ thể cụ.
Đồng tình với quan điểm của ông Vĩnh, Tiến sỹ Phan Thị Vân - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 bổ sung thêm rằng, không loại trừ khả năng tổn thương cơ học nơi cụ Rùa có thể xảy ra do xây xát do cọ sát với các vật có cạnh sắc nhọn, hoặc xù xì và vật rắn dưới hồ. Sau khi bị tổn thương cơ học, các vết thương bị nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng và tạo thành các vết lở loét trên cơ thể.
Chất lượng nước trong hồ đóng vai trò quan trọng trong việc nhiễm trùng vết thương của “cụ”. Bởi bình thường, nếu tổn thương cơ học những sống trong môi trường không ô nhiễm thì các vết thương có thể tự khỏi. Còn đối với các vết trắng trên thân cự Rùa, bà Vân cho rằng, đấy là do vết tổn thương đã lâu đóng vảy và trở thành mãn tính. Cũng không loại trừ sự có mặt của các loại nấm thuỷ my gây hại ở vết thương trắng dọc lưng Rùa, đặc biệt trong thời kỳ nhiệt độ nước xuống thấp.
Chưa có cơ sở khẳng định rùa tai đỏ tấn công cụ Rùa
Việc dư luận gần đây cho rằng, những vết thương của cụ Rùa có thể là do rùa tai đỏ gây nên thì ông Vĩnh nhận định đây mới chỉ là phỏng đoán và hiện nay vẫn còn thiếu căn cứ. Tuy nhiên, việc tiêu diệt loại động vật gây hại này nên tiến hành càng sớm càng tốt vì theo ông Vĩnh các nghiên cứu của Mỹ đã xác định khuẩn Salamonella xuất phát từ rùa tai đỏ đã gây ra ngộ độc thức ăn. Và không loại trừ rằng ngoài việc cạnh tranh thức ăn, rùa tai đỏ còn làm xấu đi môi trường sống của rùa hồ Gươm.
Ông Nguyễn Viết Vĩnh nêu quan điểm: Việc bảo tồn rùa hoàn kiếm hiện nay đang được cộng đồng hết sức quan tâm, bởi vậy ông Vĩnh đặt ra vấn đề thành lập tổ chức thuộc Sở nhằm tập hợp lực lượng và thu hút tài trợ bảo tồn quỹ gen quý này.
Còn Thạc sỹ Kim Văn Vạn - Trưởng bộ môn Nuôi trồng thuỷ sản - Khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản - Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội khẳng định, không có chuyện rùa tai đỏ tấn công cụ rùa vì rùa tai đỏ không hung dữ như ba ba. Hơn nữa, rùa tai đỏ có kích cỡ nhỏ nên khi gặp loài có kích cỡ lớn thì thường sợ sệt chứ ít dám tấn công.
Hình ảnh rùa tai đỏ "cõng" trên lưng cụ Rùa
Theo chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), loài rùa Hoàn Kiếm nằm trong danh sách 25 loài rùa nguy cấp nhất trên thế giới và hiểm hoạ tuyệt chủng có thể xảy ra trong tương lai gần. Thời gian qua, giới thông tin đại chúng đã ghi nhận việc cụ Rùa bị mắc lưỡi câu, có nhiều vết thương trên cơ thể.
Mặc dù nguyên nhân gây ra các vết thương chưa được xác định. Một số nhận định cho rằng đấy là do sự xâm lấn môi trường sống của rùa Tai đỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia của tổ chức này cho rằng yếu tố xem xét khi đề cập đến sức khoẻ cụ rùa là sinh vật phù du và vi khuẩn gây hại.
Đưa cụ Rùa lên bờ để bắt bệnh
Các đại biểu đều thống nhất quan điểm, sức khoẻ của “cụ” tỏ ra kém hẳn. GS-TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học nhận định, gần đây cụ Rùa bơi lội chậm chạp, đến rùa tai đỏ bơi lên tận lưng mà không có phản ứng gì. Cho nên, ông Yên cho rằng cần thống nhất xử lý vết thương cho “cụ”.
Để làm được điều này, theo ông Yên cần đưa cụ lên bờ, rửa vết thương, băng bó cụ rồi thả lại hồ. Để đưa “cụ” lên bờ thì cần chọn thời gian, cách đưa, dụng cụ vận chuyển và nhân công. Đồng thời, cần mời bác sỹ thú y và một bác sỹ ngoại khoa, một nhà động vật học có kinh nghiệm thực hiện việc này.
Còn ông Vĩnh cho rằng, việc trị bệnh cho “cụ” là việc làm khá nhạy cảm, phức tạp, tốn kém. Nếu kế hoạch này được chấp nhận, ngoài việc đánh bắt còn cần chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để lưu giữ cụ rùa trong thời gian chữa trị và tách ly khỏi các tác nhân gây hại.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Công ty TNHH Kỹ Thuật - Công nghệ và Thương mại HTH cho rằng, việc kiểm tra rùa Hồ Gươm là nên làm miễn sao đáp ứng được chỉ tiêu đầu tiên đó là đảm bảo an toàn tối đa cho rùa cũng như không gây hại đến môi sinh.
Theo thống kê của GS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam) trong năm 2010, tổng cộng cụ rùa nổi 134 lần. Còn trong tháng 1/2011, cụ rùa nổi tổng cộng là 14 lần. Ông Đức cho rằng, việc rùa xuất hiện nhiều là điều không bình thường. Ông Đức đặt câu hỏi, phải chăng sự việc này liên quan đến sức khoẻ và các vết thương cụ đang mang vào mình.
Để tránh việc xáo trộn nên bắt rùa lên bờ hoặc mang đến một hồ nhỏ để kiểm tra, theo dõi, điều trị với điều kiện sống như hồ Hoàn Kiếm, và bắt bằng thiết bị tối ưu, đảm bảo nhiều yêu cầu như: phải an toàn cho cụ Rùa, không gây vẩn đục hồ, thiết bị chỉ phát động việc bắt khi rùa Hoàn Kiếm đã vào bẫy…
Ồng Thịnh cũng đề xuất việc chế tạo thiết bị bắt rùa tai đỏ chuyên dụng, chế tạo thiết bị nạo vét các di vật trong hồ, thiết bị hút và lọc tuần hoàn hồ, làm giàu ô xy trong hồ, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt đền Ngọc Sơn…
Các chuyên gia Chương trình ATP cho rằng, cần tiếp tục theo dõi các vết thương của “cụ”. Việc đưa cá thể ra khỏi hồ để chữa trị nên được coi là giải pháp cuối cùng. Những rủi ro nghiêm trọng của chấn thương mới hoặc tử vong có thể xảy ra nếu di chuyển cụ rùa để điều trị mà không có đủ cơ sở vật chất và chuyên môn thú y. Trường hợp sức khoẻ của rùa ngày càng biểu hiện xấu đi, nên có sự tham gia hỗ trợ của cac chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm.