Việc cứu chữa vết thương cho Rùa Hồ Gươm được tiến hành tại chân Tháp Rùa. Ngay từ hôm nay 25/2, việc tiếp cận "cụ" để kịp thời cứu chữa sẽ được tiến hành.
Có hai phương án để tiếp cận Rùa Hồ Gươm là đợi ngay khi "cụ" nổi lên sẽ tiến hành hoặc đặt lưới chìm ở những khu vực mà "cụ" thường xuyên nổi lên như khu vực nhà hàng Thủy Tạ, khu vực Hàng Khay…
Cũng trong ngày hôm nay, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành cải tạo chân Tháp Rùa để lấy chỗ cụ di chuyển lên phơi nắng, nghỉ ngơi.
Riêng việc cải tạo môi trường Hồ Gươm sẽ diễn ra theo lộ trình chứ không thể tiến hành gấp gáp.
Một Hội đồng gồm các bác sỹ thú y, các chuyên gia thủy sản, các nhà sinh học… để chữa trị vết thương cho Rùa Hồ Gươm cũng sẽ được thành lập.
PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều thời gian nghiên cứu Rùa Hồ Gươm cho biết, việc chốt phương án cứu "cụ" là điều cần thiết hơn tất cả các hội thảo, vì sức khỏe của "cụ" hiện đã ở mức báo động nguy cấp.
Ông Hà Đình Đức cũng rất phản đối các phương án như dùng trực thăng để đưa cụ rùa ra khỏi hồ Gươm, đưa cụ xuống bể bơi Mỹ Đình… hay những phương án thiết kế bẫy bắt rùa tai đỏ…
Trong khi đó, khoảng 10 giờ ngày 25/2, ngay khi cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa cụ rùa tại UBND TP Hà Nội kết thúc, "cụ" Rùa Hồ Gươm lại nổi tại khu vực gần đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện vơi tượng đài Lý Thái Tổ và cũng gần với trụ sở UBND TP Hà Nội. Một người dân cho biết "cụ" nổi lên khoảng 1 – 2 phút.