Trong những năm qua, cùng với hệ thống y tế trong cả nước, Ngành Y tế Thái Nguyên đã không ngừng phấn đấu vươn lên và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên các mặt hoạt động. Từ chỗ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu lại vừa yếu. Đến nay toàn ngành đã có 3.826 cán bộ, trong đó có 768 bác sĩ, 40 dược sĩ...
Hệ thống khám chữa bệnh từng bước được xây dựng khang trang với quy mô rộng lớn, bao gồm 35 đơn vị trực thuộc Sở Y tế với 2.360 giường bệnh điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế và 900 giường tạm lưu ở các trạm y tế tuyến xã (đạt 28,7 giường bệnh/10.000 dân). Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có Bệnh viện Đa khoa Trung ương đóng trên địa bàn với 560 giường bệnh và rất nhiều cơ sở y tế lớn nhỏ nằm rải khắp các địa bàn trong tỉnh. Với một mạng lưới y tế như vậy cùng với những trang thiết bị hiện đại nên hàng năm ngành Y tế Thái Nguyên đã đáp ứng được trên 2 triệu lượt người dân trong và ngoài tỉnh đến khám chữa bệnh, nâng số lượt người dân được chăm sóc y tế từ 1,94 lần/người năm 2009 lên 2,05 lần/người năm 2010, góp phần giảm tải cho tuyến trên, đặc biệt là tuyến Trung ương.
Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các chương trình dự án hợp tác, các bệnh viện tuyến tỉnh đã có các máy móc hiện đại như dao Gama thế hệ 5, máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính 16 dãy, siêu âm màu, CT scaner, laze, phẫu thuật nội soi…và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: kỹ thuật chạy thận nhân tạo, phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật máu tụ trong sọ não, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, gai đôi, mổ nội soi u xơ phì đại lành tính tuyến tiền liệt, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống, kỹ thuật nội soi trong lĩnh vực tai mũi họng... Tuyến huyện đã có đủ các trang thiết bị theo phân tuyến kỹ thuật và đều thành thạo mổ cấp cứu ổ bụng, chửa ngoài dạ con, cắt tử cung, truyền máu tại chỗ và một số xét nghiệm chuyên khoa sâu khác. Các trạm y tế xã cũng có đủ trang thiết bị cơ bản để hoạt động, bình quân mỗi trạm y tế có 6,49 cán bộ, trong đó có 21 trạm có 2 bác sĩ. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 133/180 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 73,9% kế hoạch (trong đó 17 xã đang trình UBND tỉnh ra Quyết định).
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị đang từng bước hoàn thiện, nên chất lượng KCB từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, các bệnh viện trong tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu giường bệnh được giao. Một số bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải như: Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, và Bệnh viện các huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình, Võ Nhai... công suất sử dụng giường bệnh đều đạt trên 200%. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm đúng mức, đảm bảo cho các đối tượng trên đến các cơ sở y tế Nhà nước khám chữa bệnh miễn phí một cách thuận lợi.
Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh ngành Y tế còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, hệ thống giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên và chủ động dập tắt kịp thời, nên trong vòng hơn 10 năm trở lại đây không có vụ dịch lớn nào xảy ra trên địa bàn. Các bệnh dịch nguy hiểm như dịch SARS, cúm A (H5N1- H1N1), dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch hạch, sốt rét... được khống chế không để lây lan ra cộng đồng. Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia và một số mặt công tác khác được triển khai có hiệu quả, hầu hết trẻ em dưới 1 tuổi được tiểm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, do đó tỷ lệ mắc và chết của trẻ em do các bệnh truyền nhiễm đã giảm hẳn, đặc biệt một số bệnh đã được loại trừ như bệnh Đậu mùa, Bại liệt... Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần theo các năm, đến nay chỉ còn 17,7%. Song song với công tác khám chữa bệnh và chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế còn thực hiện tốt công tác cung ứng và quản lý thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập theo Thông tư liên tich số 10/2007/TTLT-BYT-BTC và hướng dẫn của UBND tỉnh, nên các cơ sở y tế đều đảm bảo nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh theo đúng các quy định của Nhà nước.
Qua kiểm tra cuối năm theo hướng dẫn và tiêu chí của Bộ Y tế về thực trạng công tác bệnh viện, các bệnh viện trong toàn tỉnh đều đạt loại khá, tốt. Các phong trào thi đua được phát động rộng khắp trong toàn ngành. Đến nay,đã có 01 tập thể được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, 6 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng hai, 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 39 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Sở Y tế và nhiều đơn vị trong ngành nhiều năm qua đã được tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Bộ Y tế.
Năm 2011 là năm đầu thực hiện nghị Quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngành Y tế Thái Nguyên phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tạo điều kiện để triển khai xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng bệnh viện quốc tế trên địa bàn tỉnh. Huy động các lực lượng đầu tư xây dựng nâng cấp các cơ sở y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/1 vạn dân và có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, có cơ chế chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế ở vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mở rộng loại hình bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện tốt chính sách về dân số, kế hoạch hoá gia đình, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 14% vào năm 2015, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tê - xã hội của tỉnh và khẳng định vị thế là Trung tâm y tế các tỉnh vùng Đông bắc theo Nghị quyết của Bộ chính trị./.