Những ngày đầu xuân Tân Mão, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất bị sụt lún của thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) để tìm hiểu cuộc sống của những hộ dân nơi đây sau 1 năm đầy vất vả, âu lo. Khác với lần trước, lần trở lại này, chúng tôi thấy rõ niềm vui đang hiện hữu trên khuôn mặt của bà con...
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Sau những tháng ngày sống trong thấp thỏm, đến nay, chúng tôi rất mừng vì Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã chấp thuận đền bù thiệt hại cho người dân vùng sụt lún.
Tình trạng tụt lún đất đất ở Trại Cau xuất hiện từ năm 2006 và diễn biến ngày càng phức tạp. Đến giữa năm 2010, tình trạng này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, nhiều nhà dân bị lún nền, tường nứt vỡ rộng, có nhà lở cả một góc lớn, phải sơ tán đi nơi khác. Cùng với tình trạng sụt lún đất, hiện tượng các giếng nước, các ao hồ, ruộng cấy lúa cũng bị cạn nước ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân… Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 100 hộ dân của thị trấn bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sụt, lún. Trước đây, mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây sụt lún đất, nhưng Công ty Cổ phần Gang thép vẫn hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng một số kinh phí để cải tạo, sửa chữa những chỗ bị nứt. Tuy nhiên, sau một thời gian, tình trạng rạn nứt nhà, cửa lại càng trầm trọng. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp đã vào cuộc nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra sụt lún đất cũng như các giải pháp khắc phục.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 9/7/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với đoàn cán bộ thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra nước Miền Bắc (Bộ TN- MT) về thị trấn Trại Cau điều tra, khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất, nứt nhà, mất nước trên diện rộng thuộc khu vực tổ 1, 2, 3 và tổ 5. Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra nước Miền Bắc cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sụt lún, nứt nhà, mất nước là do “việc bơm tháo khô mỏ tại moong Thác Lạc III (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) vượt quá công suất cho phép. Việc tháo khô mỏ đã làm hạ mực nước, tạo ra phễu hạ thấp mạnh mực nước xung quanh moong khai thác, làm nước dưới đất vận động mạnh, tác động làm mất cân bằng tĩnh trong các tầng lớp phủ dẫn đến đẩy nhanh sự sụt đất, nứt đất, mất nước…”, tại văn bản số 1957/BC-STNMT của Sở TN-MT, ngày 10/8/2010.
Sau khi xác định rõ nguyên nhân gây sụt lún, UBND tỉnh và huyện Đồng Hỷ đã có nhiều cuộc họp với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Đến ngày 6/12/2010, Công ty đã chấp thuận việc trích kinh phí đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sụt lún đất, mất nước và đề nghị UBND tỉnh cho lập Hội đồng đánh giá thiệt hại. Theo đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 2145, ngày 14/12/2010 chỉ đạo việc thành lập Ban xác định bồi thường thiệt hại và phương án đền bù, đề xuất quy hoạch khu tái định cư mới. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cấp kinh phí bồi thường, xây dựng khu tái định cư theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đào tạo nghề và bố trí việc làm cho các hộ dân thuộc diện phải di dời”.
Tuy nhiên, qua trao đổi với một số hộ dân nằm trong vùng bị sụt lún đất, chúng tôi nhận thấy, người dân vẫn còn rất băn khoăn về cách thức đền bù. Bà Đỗ Thị Định, một hộ dân bị sụt lún đất, nứt nhà ở tổ 1 chia sẻ: Được bồi thường, chúng tôi rất vui, nhưng bồi thường như thế nào cho hợp lý lại là bài toán khó. Chúng tôi muốn có tiền để xây dựng lại nhà cửa trên khu đất khác của gia đình nhưng liệu đất có ổn định? Nếu sang khu tái định cư thì mọi thứ sẽ phải làm lại từ đầu. Còn hoa màu, đất canh tác… Đi hay ở, đền bù thế nào mới thỏa đáng để đảm bảo cuộc sống lâu dài?
Đây cũng chính là vấn đề khiến nhà chức trách đau đầu bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều muốn bám đất sinh sống, không muốn rời xa mảnh đất gắn bó máu thịt với mình bấy lâu. Họ ngại chuyển đến nơi khác để bắt đầu một cuộc sống mới và phải xa đất canh tác, khó khăn trong việc đi lại, trông nom đồng ruộng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất… Ông Vũ Đăng Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau kiến nghị: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã nhận trách nhiệm và xây dựng kế hoạch thực hiện đền bù cho những hộ dân bị thiệt hại là điều chúng tôi mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị, Công ty có mức đền bù hợp lý, thỏa đáng cho những thiệt hại của người dân. Cần thiết đền bù toàn bộ công trình bị thiệt hại của nhân dân; những hộ nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm, dù họ không muốn Công ty cũng nên phối hợp với huyện buộc họ phải chuyển đến khu tái định cư mới để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với những nhà bị ảnh hưởng nhẹ không nhất thiết phải di chuyển, cần được hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa... Riêng với đất canh tác, Công ty cần hỗ trợ cải tạo đất, xây dựng kênh mương dẫn nước để nhân dân ổn định sản xuất.
Chỉ còn một thời gian ngắn nừa là bước vào mùa mưa năm 2011. Do đó, nếu chính quyền các cấp, ngành liên quan của tỉnh, huyện Đồng Hỷ và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên không nhanh chóng triển khai các phương án đền bù và di rời thì sẽ thêm một năm nữa, những hộ dân này lại phải sống trong thấp thỏm, lo âu.