Thái Nguyên trước giờ tăng giá điện

14:15, 25/02/2011

Ngày 23-2-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 269/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện mới năm 2011. Theo đó, giá bán điện bình quân mới áp dụng sẽ tăng 15,28%, tương đương 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), mức 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân năm 2010. Đến thời điểm này, tuy Bộ Công thương chưa công bố giá bán điện chi tiết cho các đối tượng khách hàng, cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng đối với người tiêu dùng Thái Nguyên, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thì đây quả là thời gian bận rộn cho việc tìm ra giải pháp tiết kiệm để duy trì sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Uỷ viên HĐQT, Phó  Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho chúng tôi biết: Là một trong những đơn vị luyện kim, chi phí về năng lượng trong giá thành sản phẩm của đơn vị rất lớn. Cụ thể, năm 2010, Công ty tiêu thụ sản lượng điện xấp xỉ 313 triệu kWh (chưa tính các đơn  vị thành viên khai thác mỏ và các đơn vị có phần vốn góp của Công ty), tương đương với số tiền điện gần 340 tỷ đồng. Như vậy, giá điện  tăng 15,28% từ đầu tháng 3 cùng với sự tăng giá đột biến của một số vật tư, nguyên liệu khác, thì trong năm 2011, Công ty sẽ phải tăng thêm chi phí đầu vào không dưới 60 tỷ đồng...Đặc biệt, trong bối cảnh giá thép thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc hoàn thành tốt một số chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, lương, thưởng cho người lao động sẽ là một thử thách không nhỏ đối với những người làm công tác quản lý của Công ty. Tuy nhiên, cũng theo ông Diệp, việc tăng giá bán điện đã là một khó khăn lớn của doanh nghiệp, nhưng sẽ khó khăn hơn trong mùa khô năm nay, Ngành điện thực hiện việc tiết giảm công suất, sản lượng điện nhiều hơn đối với các khách hàng sản xuất công nghiệp do tình trạng thiếu điện.

 

Cùng tâm trạng với ông Diệp, ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Thái Hưng, một trong những doanh nghiệp có cơ sở luyện thép và sản xuất kết cấu thép cũng tỏ ra băn khoăn trước thông tin giá điện tăng. Ông Thái cho biết: Do nhà máy luyện thép của doanh nghiệp dùng nguyên liệu chủ yếu từ phế thép (không có nguồn gang lỏng hỗ trợ nhiệt lượng như Công ty CP gang thép Thái Nguyên), nên chi phí điện năng /1 tấn sản phẩm rất lớn. Hiện giá xăng dầu đã tăng từ 18-24% trong ngày 24-2-2011, nếu giá điện tăng bình quân 15,28% sẽ dẫn đến tình trạng các mặt hàng nguyên liệu, vật tư đầu vào khác cũng ‘té nước theo mưa”, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, trong khi sức cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đây sẽ là một bài toán khó giải của các doanh nghiệp nói chung và Thái Hưng nói riêng.

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc tăng giá bán điện, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG trăn trở: Do đặc thù của Ngành công nghiệp may xuất khẩu, nhiều lô hàng doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài từ trước, giá thành gia công thấp. Với giá bán điện tăng bình quân 15,28% như hiện nay, chắc chắn doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành các mục tiêu kế hoạch về lợi nhuận và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

 

Khó khăn trước việc tăng giá bán điện đối với các doanh nghiệp thì như vậy, còn các hộ gia đình thì sao?  Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: Giá bán điện mới có tính toán đến những hộ có thu nhập thấp (là các hộ thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng), các hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện 50 kWh/tháng, tương đương mức hỗ trợ 30.000 đồng/hộ/tháng. Như vậy, việc tăng giá điện có thể nói không ảnh hưởng lớn tới các hộ nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các hộ nghèo không phải là việc trả tiền điện, mà khi giá điện tăng, các mặt hàng trọng yếu khác cũng đồng loạt tăng giá theo sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con. Nỗi lo của ông Tập cũng được các gia đình: Ông Trần Văn Động ở tổ 8, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); bà Nguyễn Thị Hà, xóm Tân Hương, xã Đồng Bẩm và ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm Hào, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ…

 

Đem những trăn trở của các doanh nghiệp và người tiêu dùng xung quanh việc tăng giá bán điện, chúng tôi đã trao đổi với ông Lại Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, ông cho biết: Nguyên nhân tăng giá bán điện là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với chức năng là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh điện, EVN được phép mua điện theo giá đàm phán nhưng lại phải bán lẻ theo “giá trần” do Chính phủ quy định. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn điện giá cao và tăng cường mua điện nước ngoài trong khi chưa được điều chỉnh giá khiến hoạt động tài chính của EVN lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng...Cũng theo ông Hồng, để thực hiện tốt Quyết định 269 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Điện lực Thái Nguyên đã tổ chức họp và ban hành văn bản yêu cầu các phòng nghiệp vụ, các đơn vị thành viên chuẩn bị các điều kiện để đổi giá bán điện như: Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khách hàng sử dụng điện, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đối tượng; chuẩn bị các hồ sơ, biên bản để thực hiện chốt chỉ số công tơ trong ngày 1-3-2011; rà soát và lập danh sách các hộ chung công tơ, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng để có phương án ưu tiên khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương…

 

Có thể nói, việc tăng giá bán điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự tăng trưởng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng theo các đồng chí lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thương mại Thái hưng và Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, trước tình hình tăng giá điện và một số mặt hàng vật tư, nguyên liệu thiết yếu, hầu hết các doanh nghiệp đã tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện như: Tổ chức các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ngay từ những ngày đầu năm đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể từng tháng, quý theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sản lượng điện nhận phân bổ theo Quyết định số 13/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo Điều hành cung ứng điện Thái Nguyên; chủ động chuẩn bị đủ nguyên vật liệu dự trữ phục vụ sản xuất với mức giá hợp lý; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu tiêu hao, thực hiện khoán giá thành, khoán chi phí tiết kiệm bắt buộc, nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí đầu vào của sản phẩm…

 

Với những giải pháp nêu trên và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, có thể nói Thái Nguyên đã sẵn sàng đón nhận việc tăng giá bán điện từ ngày 1-3-2011.