Những năm trở lại đây, nhu cầu đi lễ tại các đình, chùa của người dân ngày càng tăng cao. Đến với cửa Phật, mọi người đều thấy tâm hồn như được thanh thản hơn và cầu nguyện cho bản thân, gia đình năm mới gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, đã có không ít chuyện không hay xảy ra ở chốn linh thiêng này, rất cầm sự tham gia giải quyết của chính quyền và các ngành liên quan...
Hoà vào dòng người đi lễ đầu xuân, chúng tôi đã đến một số đền, chùa ở T.P Thái Nguyên. Khó khăn lắm chúng tôi mới chen chân vào được Đền Xương Rồng trong đêm giao thừa. Đền không có sân bãi đỗ xe nên phương tiện của những người đi lễ đều đỗ phía dưới lòng đường Cách mạng Tháng Tám. Một số hộ dân quanh khu vực này đã chăng dây để làm dịch vụ trông giữ xe với giá từ 5-10 nghìn đồng/xe máy, 20-25 nghìn đồng/xe ô tô. Các dịch vụ khác ăn theo cũng tăng giá rất tuỳ hứng. Mặc dù ở đây có sự xuất hiện của đội an ninh dân phố, công an khu vực.
Bà Nguyễn Thị Hiền (Đồng Hỷ) cho biết: Năm nay, đến các đền, chùa ở đâu cũng thấy đông người hơn, mọi thứ đều đắt đỏ gấp đôi, gấp ba lần năm ngoái. Chen chân mãi tôi mới đặt được lễ vào chính điện nhưng quay trước, quay sau đã có người khác “thụ lộc” mất lễ của mình. Vậy nên, đành khấn vài lời để thánh phật hiểu lòng thành của mình vậy!
Một địa chỉ cũng được nhiều người dân tìm đến dịp đầu năm là Chùa Phù Liễn, phường Hoàng Văn Thụ. Lợi dụng việc người dân đang làm lễ, nhiều kẻ gian đã “móc” đi tài sản của họ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thu Thuỷ, phường Tân Lập nói: Loay hoay mãi tôi mới tìm được một chỗ đứng để thắp hương. Sau vài phút khấn thì phát hiện khoá chiếc túi xách đeo ở cạnh sườn bị kẻ gian mở lấy mất chiếc điện thoại di động, ví tiền, chìa khoá và vé xe máy.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Trước Tết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương có các điểm di tích, các lễ hội truyền thống nghiêm cấm các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức lễ hội; tại các di tích, các nơi thờ tự, thực hành tín ngưỡng cần có hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực như mê tín dị đoan, đốt đồ hàng mã, đặt hòm công đức, đặt lễ tuỳ tiện, lưu hành văn hoá phẩm trái phép, nâng ép giá dịch vụ, vệ sinh môi trường… đảm bảo giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc và tự do tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế tại các di tích, nơi thờ tự trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự như đã kể trên. Rất mong chính quyền và các ngành chức năng các cấp tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát và mỗi người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực để trả lại sự an toàn, bình yên cho chốn đền, chùa.