Hơn 8.000 lao động Việt Nam đã thoát khỏi Libya

13:48, 04/03/2011

Chiều 3/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã có hơn 2.700 lao động hồi hương an toàn, 5.500 người khác đã thoát khỏi Libya và đang chờ di chuyển bằng đường biển, đường hàng không về Việt Nam.

Theo Cục phó Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải, lao động Việt Nam tập trung nhiều nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ (2.500), kế đó là Malta (1.500), Tunisia (1.300), Hy Lạp (940), Ai Cập (840).

 

Từ ngày 26/2 tới nay, hơn 2.740 lao động về nước an toàn bằng đường hàng không. Ngoài ra sáng 3/3 còn 1.120 người từ các cảng Benghazi, TripoliMalta đã lên tàu về nước. Tàu sẽ cập cảng Hải Phòng, nhưng ngày về chưa xác định do quãng đường đi khá dài.

 

Tại Libya còn khoảng 1.500 lao động đang di chuyển tới biên giới các nước láng giềng. Đoàn công tác Việt Nam đã đến được Tunisia, nơi đặt Ban chỉ đạo tiền phương để giải quyết sự cố. "Như vậy số bị mắc kẹt ở Libya đến chiều 3/3 là hơn 300 người. Trong đó có nhiều người ở phía Nam vẫn đang làm việc bình thường, nhưng tất cả sẽ được sơ tán trong vài ngày tới", ông Hải nói.

 

Theo ông Hải, việc đoàn công tác của Chính phủ vào Libya là rất khó, do đó Việt Nam đã nhờ Tổ chức di dân quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại đây để sơ tán lao động. "Một tin mừng là sáng 3/3 đại diện Văn phòng hợp tác kinh tế Libya tại Hà Nội đã đề nghị Cục cung cấp thông tin số lao động bị kẹt để có biện pháp giúp đỡ hồi hương", ông Hải thông tin.

 

Về việc giải quyết quyền lợi cho lao động phải về nước trước thời hạn, ông Hải cho biết trước tiên phải tập trung sơ tán. Tuy nhiên Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở có lao động đi Libya phối hợp để hỗ trợ lao động về mặt tinh thần, đồng thời sớm làm thủ tục thanh lý hợp đồng trong vòng 2 tuần sau khi hoàn tất đưa 10.400 người về nước. Lao động nào có nhu cầu học nghề, học tiếng để đi làm việc ở thị trường khác sẽ được ưu tiên.

 

Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu và đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho những người mới sang, chưa có tích lũy. "90% lao động Việt Nam làm việc tại Libya thuộc ngành xây dựng. Bộ sẽ rà soát các thị trường cần lao động xây dựng để có thể chuyển tiếp ngay số lao động về từ Libya vì sẽ ít phải đào tạo lại", ông Hải nói.

 

Với những lao động phải vay vốn trước khi đi, Chính phủ đã chỉ đạo khoanh nợ cho những người này.