Trước yêu cầu phát triển khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chính phủ cho phép thực hiện Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cơ chế đặc thù. Để tiếp tục phát huy công năng tuyến đường, việc nối dài đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Hạ Long đang được xúc tiến khẩn trương. Đây được xem là điểm nhấn mới, hết sức quan trọng của dự án.
Với những tiềm năng, thế mạnh về hệ thống đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không…, TP Hải Phòng cũng như tỉnh Quảng Ninh nằm trong cụm đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và nằm trên hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Riêng Quảng Ninh là khu vực phát triển năng động kinh tế ven biển và kinh tế biển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao về thế mạnh biên mậu quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái, khai thác khoáng sản và du lịch.
Tuy nhiên, mạng lưới giao thông đối ngoại của hai địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự phát triển và khả năng thu hút, cạnh tranh. Trục đường bộ huyết mạch của tỉnh Quảng Ninh hiện nay là QL18. Tuyến đường này là trục đường bộ chính liên kết Quảng Ninh với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Trung Quốc; đã được nâng cấp cải tạo, nhưng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng và miền núi với quy mô 2 làn xe cơ giới. Trục QL10 nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng. Đối với Hải Phòng, ngoài QL10, còn có QL5 là trục đường bộ quan trọng nhất đối với thành phố Cảng nối Hà Nội với các tỉnh được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng với 4 làn xe cơ giới.
Tuyến giao thông nối TP Hạ Long với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được đầu tư xây dựng quy mô cấp 1 theo tiêu chuẩn Việt
Hiện chi tiết phương án đấu nối được giao cho tư vấn đề xuất và dự kiến điểm đấu nối từ đập Đình Vũ cũng là điểm cuối đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vượt sông Cấm bằng cầu dây văng, khổ thông thuyền bảo đảm cho tàu biển cỡ lớn qua lại. Hai phương án đầu tư cầu vượt sông đang được nghiên cứu. Phương án thứ nhất, xây dựng 1 cầu từ đập Đình Vũ (Hải Phòng) vượt sông sang khu vực đầm Nhà Mạc, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Hướng thứ hai, xây dựng 2 cầu, 1 cầu từ đập Đình Vũ vượt sông Cấm sang đảo Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên và cầu tiếp theo từ Vũ Yên sang khu vực đầm Nhà Mạc. Phương án thứ hai sẽ tốn thêm khoảng 1.200 tỷ đồng, nhưng kết nối với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, trong đó có Khu công nghiệp đô thị VSIP tại Thủy Nguyên.
Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ đến năm 2020 bao gồm TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, để phát triển vùng động lực kinh tế cần xây dựng trục giao thông nòng cốt, tập trung xây dựng hoàn chỉnh, hiện đại hóa tuyến trục giao thông ven biển Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Ninh Bình, tạo điều kiện giao thông thuận tiện và thông suốt giữa Việt Nam với các tỉnh vùng Hoa Nam (Trung Quốc) qua vành đai kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cho rằng: Triển khai đấu nối đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối dài tới Hạ Long có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng của hai địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong khâu chuẩn bị trình Chính phủ để sớm thực hiện thành công, đón đầu việc khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào năm 2014, hai bến khởi động Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cát Hải, cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện vào năm 2015.