Sống cùng “bão giá”

15:12, 29/03/2011

Từ ngày 1-3, Bộ Công Thương đã chính thức công bố giá bán điện sinh hoạt và sản xuất năm 2011, trung bình giá bán là 1.242 đồng/kWh (tăng 15% so với giá bán trung bình năm 2010). Qua một tháng thực hiện có thể nhận thấy việc tăng giá điện, dẫn tới tăng giá nước ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là đối với những người có thu nhập thấp như công nhân, lao động đang phải ở trọ, làm việc tại thành phố.

Năm 2010, theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo công ty điện lực các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát giá bán lẻ điện tại các khu nhà trọ. Theo đó, các công ty điện lực sẽ ban hành công khai bảng giá điện và yêu cầu các chủ nhà trọ niêm yết công khai tại khu trọ để thực hiện. Sinh viên, người lao động thuê nhà thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên mua giá điện trực tiếp theo giá điện sinh hoạt bậc thang. Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền của người ở trọ theo đúng giá bán lẻ điện ghi rõ trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do các đơn vị bán lẻ điện phát hành. Nếu chủ nhà trọ lợi dụng việc tăng giá để thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn quy định sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, một thực tế chúng tôi ghi nhận được ở các khu nhà trọ cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp tại thành phố  là các chủ nhà nhà trọ vẫn thu tiền điện của người thuê cao hơn so với quy định.

 

Chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân may của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG hiện đang ở trọ tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Khi có thông báo tăng giá điện chúng tôi đã rất lo vì từ trước đến nay chủ nhà trọ không hề thỏa thuận với người thuê trọ mà đến một thời điểm nào đó họ tự ý nâng mức tiền điện, nước, nhà trọ lên, sau đó mới thông báo cho người thuê, nếu ai chấp nhận thì tiếp tục ở, không thì chỉ còn cách dọn đồ chuyển đi nơi khác. Trước tháng 3 năm nay, giá điện chúng tôi phải nộp là 3.000 đồng/kWh, giờ đã tăng lên 3.500 đồng/kWh. Nước thì từ 6.000 đồng/khối tăng lên 10.000 đồng/m3. Giá cho thuê  nhà trọ cũng tăng thêm 50.000 đồng/phòng/tháng. Bên cạnh đó, người lao động và công nhân có thu nhập thấp còn phải đối phó với tình trạng giá cả hàng hoá “leo thang” hàng ngày khi đủ các mặt hàng thực phẩm ngoài chợ “ăn theo” tăng giá chóng mặt.

 

Anh Triệu Đức Phương, công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG hiện đang ở trọ tại tổ 3, phường Tân Lập, nói với chúng tôi giọng buồn rầu: Với mức lương 2 triệu đồng/tháng, tôi đang rất lo vì không đủ tiền trang trải sinh hoạt, ngoài ra mỗi tháng còn phải dành dụm tiền để gửi về quê phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học... Để giảm bớt tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng, anh Phương đã phải rủ hai người bạn về ở cùng phòng. Bạn ở cùng phòng là anh Nguyên còn có mức thu nhập thấp hơn vì việc phụ hồ tiền công từ 60-70 nghìn đồng/ngày nhưng công việc rất bấp bênh khi có khi không nên chi tiêu càng phải dè xẻn hơn.

 

Anh Lê Huy Minh, quê ở Tuyên Quang thuê một phòng trọ có giá 350 nghìn đồng/tháng ở tổ 3, phường Tân Lập (chưa kể tiền điện, nước). Hiện anh đang làm việc tại Công ty máy tính Thu Hà, có địa chỉ tại số 203, ngã ba Bắc Nam (T.P Thái Nguyên) với mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, thời gian vừa qua, mọi thứ như điện, xăng dầu, thực phẩm đều tăng giá nên để đủ tiền sinh hoạt hàng ngày và các chi phí khác anh đã phải đi làm thêm, công việc là sửa chữa, lắp đặt máy vi tính cho các hộ gia đình vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính. Công việc làm thêm giúp anh có thêm thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống nhưng anh thấy thực sự vất vả, mệt mỏi bởi ít được nghỉ ngơi, thư giãn. Còn chị Đỗ Thị Quỳnh, quê ở Định Hóa, hiện đang làm kế toán cho Công ty TNHH Sao Đỏ về lĩnh vực xây dựng ở thành phố nên cũng phải ở trọ tại tổ 8 phường Hoàng Văn Thụ. Trước đây chị ở một mình trong căn phòng khép kín rộng 14m2 với giá 500 nghìn đồng/tháng, nhưng hiện nay do điện nước đều tăng giá trong khi mức lương chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng (mà công ty thường “khất” 2, 3 tháng mới trả lương một lần) nên chị đã phải chọn giải pháp tìm người ở ghép chung phòng. Ấy vậy mà các khoản sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày vẫn không đủ khi điện tăng từ 2 nghìn đồng lên 3 nghìn đồng/KWh, nước tăng từ 20 nghìn đồng tăng lên 30 nghìn đồng/người/tháng.

 

Điện, xăng dầu tăng giá, giá thực phẩm cũng như các mặt hàng khác ngày một “leo thang” khiến cho đời sống sinh hoạt của công nhân và người lao động có thu nhập thấp vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì vậy không có giải pháp nào hữu hiệu  hơn bằng việc họ phải sử dụng tiết kiệm điện, nước và chi tiêu sinh hoạt. Bên cạnh đó, cũng mong các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố sớm có biện pháp kiểm tra, giám sát các nhà trọ. Hành vi lợi dụng việc tăng giá điện để thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn quy định của các chủ nhà trọ cần phải bị xử lý nghiêm khắc.