TPHCM: Dịch bệnh thủy đậu có nguy cơ biến chứng não

08:59, 12/03/2011

Virus có thể xâm nhập thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan…, gây tình trạng sốt dao động

 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu hay còn là trái rạ.

 

Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hai tuần qua đã tiếp nhận 5 cháu mắc bệnh thuỷ đậu. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ cho biết, thời tiết chuyển mùa vào thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh thuỷ đậu và bệnh viện luôn dự phòng các loại thuốc để ứng phó. Cứ vào thời điểm các tháng 2, 3, 4 và 5 là dịch bệnh trái rạ lây lan trong cộng đồng và đối tượng dễ mắc nhất là các cháu nhỏ dưới 5 tuổi nếu không được tiêm vaccine phòng ngừa.

 

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tuần qua cũng tiếp nhận một số ca nhiễm dịch bệnh thuỷ đậu gây biến chứng nặng, trong đó đáng lưu ý là trường hợp biến chứng nhiễm trùng đường huyết của một bé trai hơn 2 tuổi và một ca trẻ sơ sinh mới 2 ngày tuổi nhiễm do lây từ mẹ.

 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dịch bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Trẻ mắc bệnh có thể bị sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, ngứa ngáy... Nếu trẻ không được quan tâm chăm sóc kỹ, để trẻ gãi vào mụn nước, mụn nước vỡ ra gây nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn, virus có thể xâm nhập thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan…, gây tình trạng sốt dao động, làm trẻ li bì, quờ quạng tay chân, co giật và có thể gây viêm não. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị cũng để lại di chứng thần kinh như điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển.

 

Để chủ động phòng ngừa nên tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ em và người lớn nên tiêm ngừa 2 liều vaccine ngừa thuỷ đậu, liều thứ 2 cách liều thứ nhất sau 6 tuần. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.