Về xóm Kén xem người dân xây dựng cơ sở hạ tầng

08:55, 30/03/2011

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi được thông báo làm nhà văn hoá và đường bê tông, người dân xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình) đã sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công và hiến đất xây dựng 2 công trình có tổng trị giá trên 250 triệu đồng trong năm 2010.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đặng Văn Ổn, Trưởng xóm cho biết: Xóm Kén có gần 140 hộ dân, hiện có 55 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Cách đây 4 năm, cả xóm có tới trên một nửa là hộ nghèo. Để từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Chi bộ đã đưa ra nghị quyết cụ thể phù hợp với tình hình địa phương như: Đẩy mạnh việc phát triển các nghề phụ cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Xóm có tới 80-90% lao động chính đi làm nghề thợ xây, phụ hồ trong địa phương, các vùng lân cận và cả ở các tỉnh ngoài với mức tiền công từ 100-170 nghìn đồng/ngày. Nhiều người đã “cứng tay” trong nghề thợ xây như anh Đặng Văn Thỏa, Nguyễn Văn Tuấn, Đặng Văn Hòa thì bình quân nhận mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nghề phụ này mà đời sống của người dân cũng đã vơi bớt khó khăn, có điều kiện trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân quan tâm đầu tư, Trung bình mỗi hộ duy trì nuôi từ 1-2 con trâu, bò, vừa để lấy sức kéo, vừa để sinh sản. Trong xóm có trên 10 hộ phát triển quy mô chăn nuôi gà, lợn theo hướng trang trại cho thu nhập khá như hộ ông Ngô Quang Lợi, Đặng Văn Dũng, bà Đặng Thị Huệ...

 

Mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhiều gia đình từ chỗ cuộc sống vốn khó khăn khi cái đã có cơ hội thoát nghèo và kinh tế khá ổn định như anh Đặng Văn Tiếp. Đầu tư chăn nuôi gần 50 con lợn thịt/lứa và 500 con gà đẻ và gà thịt từ năm 2008, đến năm 2010, gia đình anh Tiếp đã thoát nghèo và có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Cùng với đó, các đồng chí cán bộ, đảng viên cũng tích cực vận động người dân tham gia các tổ chức hội, đoàn thể để được phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như được hỗ trợ vốn, phân bón sản xuất. Do vậy, bà con trong xóm đã thay đổi nhận thức truyền thống trước đây là chỉ cấy những giống lúa cũ bằng việc mạnh dạn đưa những giống lúa mới vào sản xuất như Bio4, Sin6, Bồi tạp sơn thanh, lúa lai Hai dòng. Điều đó đã góp phần đưa năng suất của cây lúa: từ 1,8 tạ/sào lên 2,2-2,5 tạ/sào, cuộc sống của bà con nhờ vậy cũng vơi bớt khó khăn. Người dân đã mạnh dạn đóng góp tiền của, ngày công lao động, vật liệu xây dựng để xây dựng các công trình công cộng.

 

Nhớ lại chuyện hồi bàn bạc làm nhà văn hóa và đường bê tông, ông Đặng Văn Ổn cho biết: Khi đưa ra ý kiến xây dựng nhà văn hóa bà con phấn khởi lắm bởi trước đây, khi xóm chưa có nhà văn hóa rất khó khăn cho việc sinh hoạt tập thể, nhà tôi trở thành nơi hội họp tập trung gần một trăm người để thông báo công việc của xóm. Vì không đủ chỗ và bàn ghế nên ai đến họp cũng mang theo một chiếc ghế hay tờ giấy để ngồi, mỗi người một góc, người ngồi trong nhà, người ở bậc thềm, người thì ngoài sân rất bất tiện. Trước khi thông báo tới người dân, các cán bộ xóm đã họp bàn dự toán tổng giá trị nhà văn hóa là trên 80 triệu đồng. Trong đó, trên 50 triệu đồng chia ra bình quân mỗi hộ phải nộp 300 nghìn đồng, số tiền còn lại sẽ huy động ngày công lao động và vật liệu xây dựng mà bà con đóng góp, tận dụng đội ngũ thợ xây, phụ hồ trong xóm để làm nhà văn hoá. Với mức đóng góp hợp lý này, khi đưa ra trước cuộc họp, người dân đều nhất trí cao. Ngoài khoản đóng góp chung, nhiều cán bộ, cá nhân trong xóm còn tự nguyện góp thêm tiền hoặc mua sắm hỗ trợ trực tiếp cho xóm các trang thiết bị trong nhà văn hóa. Đến nay, nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, có đầy đủ bàn ghế và các trang thiết bị phục vụ cho việc sinh hoạt, hội họp tập thể.

 

Cũng trong năm 2010, xóm Kén đã hoàn thành kiên cố hóa con đường bê tông gần 1km. Đi trên con đường phẳng phiu, nhìn những người nông dân chở phân bón ra đồng chăm sóc lúa và hoa màu, chúng tôi dễ dàng quan sát thấy sự phấn khởi qua từng ánh mắt và tiếng cười của họ. Vui nhất là đoạn đường bê tông đi qua cổng Trường Tiểu học Nga My, góp phần giúp các cháu học sinh tan trường đi lại thuận tiện, vào những ngày mưa gió không phải chịu cảnh lầy lội như trước.

 

Các đồng chí cán bộ xóm chia sẻ: Khi xã đưa ra kế hoạch làm đường bê tông xóm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (80%-20%), cán bộ xóm đã tổ chức họp bàn kỹ lưỡng. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề khó khăn sẽ là huy động sức dân đóng góp tiền đối ứng xây dựng công trình vì bà con vừa đóng góp tiền của để xây dựng nhà văn hoá, điều này sẽ càng khó khăn hơn với những hộ nghèo. Hơn nữa, đoạn đường bê tông dự kiến sẽ đi qua 2.700m2 diện tích đất, hoa màu của trên 30 hộ dân đòi hỏi họ phải tự nguyện hiến đất. Vì vậy, muốn thành công, cán bộ xóm sẽ phải làm tốt công tác động viên, tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa của công trình để họ hưởng ứng. Đồng thời cần đưa ra mức đóng góp hợp lý, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có khả năng tham gia. Tổng giá trị công trình là trên 1 tỷ đồng. Số tiền nhân dân phải đóng góp đối ứng là 200 triệu đồng. Một phương án được đưa ra đó là với các hộ nghèo, xóm sẽ tạo điều kiện để họ nộp làm 2,3 đợt. Sau khi thống nhất giữa Chi bộ và các đoàn thể, xóm đã tổ chức họp dân để thông báo. Bà con sau khi được cán bộ phân tích làm đường bê tông là cơ hội lớn với người dân trong xóm bởi có con đường, nhân dân đi lại cũng như thông thương phát triển kinh tế sẽ thuận lợi hơn. Do đó, người dân đã biểu quyết tán thành 100%. Trên cơ sở đó, vì lợi ích tập thể, 32 hộ dân có diện tích đất, hoa màu trong diện cần giải toả mặt bằng đã tự nguyện hiến đất xây dựng công trình.

 

Để làm được 2 công trình lớn trong một năm, một trong những bài học kinh nghiệm mà các đồng chí cán bộ xóm Kén rút ra đó là phải tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bởi “có thực mới vực được đạo”. Hơn nữa, dân chủ, công khai và thực hiện đúng nguyện vọng của người dân thì họ sẽ hoàn toàn đồng tình…