Chăm lo đời sống của những người thợ

15:34, 30/04/2011

Dù mưa hay nắng, ngày lễ, Tết hay ngày thường, giữa ngày hè nóng bức hay đêm khuya gió rét, họ vẫn miệt mài như những con ong thợ. Họ là những công nhân vệ sinh môi trường (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên).  

 

Công việc của họ thường xuyên tiếp xúc với rác thải, bụi bặm, mùi hôi thối để đem lại sự sạch sẽ trên từng con đường, ngõ phố. Vất vả, nặng nhọc, độc hại là thế nhưng ai cũng gắn bó với nghề. Và điều quan trọng hơn là trong những năm trở lại đây, cuộc sống của họ đã được quan tâm, chăm lo đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần…

 

Đã thành lệ, cứ sau khi mọi hoạt động của chợ Thái đã ngừng nghỉ thì các công nhân vệ sinh môi trường lập tức tiếp quản. Hôm nay, nhóm của chị Hoa, chị Thảo và chị Ngân đảm nhiệm làm vệ sinh từ xung quanh khu vực chợ đến đầu cầu Bến Oánh. Bao nhiêu rác thải vương vãi từ lòng đường đến vỉa hè của buổi họp chợ đều được các chị quét dọn, thu gom lại, chất lên xe một cách nhanh chóng, thuần thục. Đến chừng 21h, hơn chục xe rác đầy được tập trung lại chờ ô tô chuyên chở đến nơi tập kết và xử lý. Trong trang phục bảo hộ đặc thù (áo xanh phản quang, đầu đội nón, bịt khẩu trang…), chúng tôi thật khó có thể biết mặt của các chị nhưng qua cách nói chuyện có thể nhận thấy sự thoải mái, vui vẻ khi họ nói về công việc của mình. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Tôi đã gắn bó với nghề này được 18 năm. Vào nghề, chúng tôi hiểu sự khắc nghiệt, độc hại của nó nhưng gắn bó lâu thành quen rồi yêu nó lúc nào không hay. Không những vậy, chúng tôi luôn được sự quan tâm của Công ty, các chị em luôn gần gũi, biết giúp đỡ nhau trong công việc. Chồng con, gia đình cũng luôn thông cảm, ủng hộ. Trong đội chúng tôi, ai cũng yên tâm gắn bó với nghề. Chị Nguyễn Thị Thảo thì đã 8 năm gắn mình với chiếc chổi  tre và… rác. Còn  chị Nguyễn Thị Ngân, quê ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình là “lính mới” chưa lập gia đình nhưng cũng xác định gắn bó lâu dài với nghề này. “Hiện tại, với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng cùng với 20.000 đồng/ngày tiền ăn ca, phụ cấp nghề độc hại (bằng hiện vật)… đó là một trong các yếu tố để chúng tôi yên tâm công tác”.  Các chị cho biết thêm.

 

 

Đồng chí Phạm Huy Thuyên, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cho biết: Đội ngũ công nhân của Công ty làm vệ sinh môi trường chủ yếu là lao động nữ với gần 200 người. Công việc của họ được đưa vào danh mục ngành nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định. Chính vì đặc thù như vậy nên Công đoàn Công ty luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ngoài việc vận động công nhân thực hiện tốt các quy định bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, Công đoàn còn phối hợp với Công ty tạo đủ việc làm, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Hàng năm, Công ty đều tổ chức hội nghị toàn thể công nhân lao động để thảo luận, tiếp thu những ý kiến, đề xuất cũng như những sáng kiến đống góp của công nhân. Qua đó, chúng tôi hiểu và tạo điều kiện để chăm lo đời sống cho công nhân và người lao động nhiều hơn.

 

Từ nhiều năm nay, Công ty luôn bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định, thường xuyên tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình đoàn viên Công đoàn gặp khó khăn… Đặc biệt từ nguồn Quỹ “Hỗ trợ nữ công nhân lao động nghèo” của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ năm năm từ 2008 đến nay, Công đoàn Công ty đã tạo điều kiện cho 30 công nhân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền 300 triệu đồng. Số tiền ấy được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Ngoài ra, được sự quan tâm của Ban Giám đốc, hàng năm Công ty đã trích tiền từ nguồn quỹ phúc lợi và Quỹ Công đoàn cơ sở để tổ chức cho công nhân đi tham quan, nghỉ mát. Nhờ đó, công nhân yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, hăng hái tham gia các phong trào thi đua… Bên cạnh đó, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân là một trong những tiêu chí phấn đấu cơ bản và quan trọng của Công ty. Nếu đầu năm 2010, mức lương cơ bản chỉ đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng thì đến cuối năm đã tăng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011 này, Công ty đưa ra chỉ tiêu nâng mức lương cho công nhân từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định của Nhà nước, các công nhân ở đây còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Công đoàn Công ty và thực hiện nghiêm túc Luật lao động nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản như: đi giày (ủng), đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ… đầy đủ khi làm việc là tiêu chí để tính điểm thi đua;  không sinh con trước tuổi 22; hưởng lương không quy định thời gian cống hiến; con ốm mẹ nghỉ; được kiểm tra sức khỏe định kỳ; nghỉ chế độ thai sản 5 tháng…

 

Có thể nói công việc của những công nhân vệ sinh môi trường thật cao quý và đáng được trân trọng. Hàng ngày chúng ta được hưởng những thành quả lao động của họ khi đi trên những tuyến đường, con phố đẹp, sạch sẽ. Mặc dù đến nay, đời sống của họ đã được quan tâm chăm lo, nâng cao, yên tâm công tác nhưng họ cần vẫn cần lắm cái nhìn cảm thông và ý thức của mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung để họ có thêm niềm vui và “tuy nghề nặng nhọc nhưng lòng nhẹ nhàng”.