Chế tài nhẹ, nhà sản xuất “nhờn” thuốc?

10:18, 06/04/2011

Xung quanh việc gần 1 vạn xe của hãng Toyota Việt Nam bị mắc lỗi hiện vẫn đang lưu thông trên thị trường, ngày 4-4-2011, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Đỗ Hữu Đức khẳng định: “Sẽ làm tới cùng để làm sao bảo vệ được quyền lợi cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người tiêu dùng”.

  

Tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề lỗi kỹ thuật của TMV hôm 1-4 vừa qua,  ông Todashi Yoshida – Giám đốc sản xuất của TMV cũng thừa nhận các lỗi mà vị kỹ sư Lê Văn Tạch đưa ra là đúng và chủ yếu ở dòng Toyota Innova J (taxi) và Innova G tiêu thụ từ năm 2006 đến tháng 10-2010, nhưng không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe. Mặt khác, khi phát hiện sai sót, TMV cũng đã tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng của sản phẩm, nếu lỗi ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng thì Công ty sẽ thông báo cho khách hàng và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này các lỗi không ảnh hưởng nên TMV không thông báo (?). Ông Tadashi Yoshida cũng cho biết, hiện có 8.830  xe Toyota các loại đang lưu thông trên thị trường Việt Nam đang mắc 3 lỗi kể trên. TMV không có ý định thu hồi vì đây là những lỗi nhỏ không ảnh hưởng đến chất lượng chung của xe.

 

Trong khi đó, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, số xe Toyota mắc lỗi kỹ thuật đã được đưa ra thị trường nhiều hơn số xe mà ông Yoshida thông báo. Họ thử nghiệm xe với tốc độ trên 60km/h và tự đánh giá là “ok” trong khi xe được thiết kế có thể chạy với tốc độ 200 km/h”, kỹ sư Tạch phản bác và cho rằng đó là chưa tính tới điều kiện để thử nghiệm như lốp xe, mặt đường, tải trọng của xe, tình huống khẩn cấp... có thỏa mãn hay không thì không rõ. Trong khi đó lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận, mắc những lỗi nhỏ là câu chuyện hoàn toàn bình thường đối với tất cả các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Đối với quy trình kiểm tra hai dòng xe của Toyota là Innova và Fortuner (những dòng xe bị “tố” là mắc 3 lỗi kỹ thuật), Cục cũng đã kiểm tra theo quy trình nghiêm ngặt. Về nguyên tắc, chỉ có những loại xe được kiểm tra thử nghiệm theo các quy chuẩn hiện hành của Việt Nam và thỏa mãn Quy định 34/2005 của Bộ Giao thông - Vận tải sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Hai kiểu xe nói trên đã được thử nghiệm và thỏa mãn quy chuẩn đó.

 

Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận: Mỗi một dòng xe khi ra sản phẩm mới sẽ được xuất xưởng hàng ngàn chiếc. “Chúng tôi không thể đi kiểm tra chi tiết từng xe được. Những sản phẩm không hoàn toàn khớp với những chuẩn mực đã kiểm định thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm”. Theo quan điểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tất cả những lỗi ảnh hưởng tới an toàn dứt khoát phải khắc phục, đó là nguyên tắc. Cục đã có văn bản yêu cầu TMV báo cáo cụ thể về những sai phạm như phản ánh của kỹ sư Lê Văn Tạch và khẳng định: Dù ở mức sai phạm thế nào, cơ quan đăng kiểm cũng sẽ có những yêu cầu để TMV phải có biện pháp giải quyết hợp lý nhất, làm sao để đặt an toàn tính mạng của khách hàng lên trên hết.

 

Song, dù sự việc được giải quyết như thế nào, dư luận vẫn băn khoăn khi TMV đã từng phạm lỗi trong kỹ thuật lắp ráp nay lại tiếp tục phạm lỗi. Câu hỏi đặt ra, chế tài của chúng ta đã đủ mạnh để xử lý những sai phạm nói trên? Làm sao để những lỗi đó không bị lặp lại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện giao thông? Một chuyên gia thuộc Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, lý do là bởi chế tài xử phạt quá nhẹ. “Trong khi ở bên Mỹ, một hãng sản xuất khi bị phát hiện sai phạm một lỗi dù nhẹ nhất cũng đã bị phạt 5 triệu USD, làm như vậy nhà sản xuất mới sợ, mới không dám “nhờn” thuốc”.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Toyota Việt Nam đã nhận lỗi như vậy thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải sớm đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để ra văn bản yêu cầu TMV thu hồi xe về sửa chữa. Làm như vậy mới tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước với người tiêu dùng.