Công bằng cho người nghèo

09:51, 18/04/2011

Tính đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã đạt 1.170 USD/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10%. Nhưng đằng sau những con số cho thấy tốc độ tăng trưởng về kinh tế ấy vẫn ẩn chứa những vấn đề xã hội.

Một trong số đó là mức chênh khá lớn về khả năng tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)… giữa người nghèo và những nhóm có điều kiện sống tốt hơn. 

 

BHXH thiên về nhóm lợi thế

 

Dù đã có thay đổi đáng kể cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện ở số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng nhanh từ 4,1 triệu người vào năm 2000 lên trên 9,3 triệu người vào năm 2010; 72.000 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng phân tích theo tiêu chí "nhóm dân số" thì dường như hệ thống BHXH nước ta đang thiên về những nhóm có lợi thế. Kết quả hoạt động của BHXH cũng cho thấy, hệ thống này đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về sự bình đẳng giữa các nhóm tham gia và mục tiêu bền vững về tài chính.

 

Theo Tiến sĩ Giang Thanh Long (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), hệ thống BHXH bắt buộc hiện có mức bao phủ quá thấp đối với một lực lượng lao động lớn và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Số liệu thống kê cho thấy, mới chỉ có khoảng 30% số người lao động tham gia BHXH bắt buộc; trong đó phần lớn là lao động thuộc khu vực Nhà nước hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước tham gia đóng BHXH còn rất thấp so với số lượng lao động đông đảo của khu vực này. Hơn nữa, xét trong số người tham gia hệ thống BHXH, cũng tồn tại sự không công bằng nếu xét theo khu vực kinh tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2010 thì một người lao động thuộc khu vực nhà nước khi về hưu sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn rất nhiều so với một lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước có cùng thời gian đóng góp cho hệ thống BHXH. Nguyên nhân được chỉ ra là công thức tính mức hưởng thể hiện rõ sự "thiên vị" cho lao động thuộc khu vực nhà nước.

 

Chính sách BHXH tự nguyện quá chặt chẽ, thậm chí vượt quá khả năng của người muốn tham gia, lại thiếu liên thông với BHXH bắt buộc, điều đó đang cản trở khả năng tiếp cận với hệ thống BHXH của các nhóm dân số nghèo, thu nhập thấp. Điều này lý giải vì sao, số lượng tham gia BHYT tự nguyện hiện chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với hàng chục triệu lao động ở nông thôn và khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong khi đó, đáng ra, họ là những người thực sự cần được tham gia hệ thống BHXH để phòng rủi ro khi thu nhập suy giảm hoặc mất nguồn sinh kế.

 

Vùng sâu, vùng xa - vùng "trắng" BHYT?

 

Để đạt mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014, Chính phủ cam kết hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng BHYT đối với người nghèo, người cận nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 5-2010, số tham gia BHYT đạt khoảng 53 triệu người (chiếm gần 62% tổng dân số). Tuy nhiên, phần lớn trong số 38% dân số chưa tham gia BHYT là lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, nhóm dân cư sống ở nông thôn, miền núi và người có thu nhập thấp. Đó là nhóm có nguy cơ cao về bệnh tật trong khi hệ thống chăm sóc y tế hiện nay chưa "vươn" tới được nhóm dân số dễ tổn thương này.

 

Trong các nhóm tham gia BHYT, người nghèo có tỷ lệ khám bệnh thấp hơn nhiều so với các nhóm khác. Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010 cho thấy, số lượt khám bệnh của người nghèo chỉ xấp xỉ 0,1%, trong khi con số này ở nhóm lao động thuộc khu vực nhà nước là trên 0,2%.

 

Để an sinh xã hội song hành với tăng trưởng kinh tế, Tiến sĩ Giang Thanh Long cho rằng, cần phải thay đổi hệ thống BHXH, cả bắt buộc lẫn tự nguyện từ cơ chế tài chính thực thanh thực chi sang dạng tài khoản cá nhân; đồng thời cải cách hệ thống BHYT trong điều kiện dân số và nền kinh tế đang có những biến đổi lớn. Ông Giang Thanh Long cho biết thêm, một số vấn đề cơ bản cần phải được bảo đảm khi cải cách, đó là bền vững tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận cũng như chất lượng chăm sóc sức khỏe và công bằng xã hội; trong đó sự công bằng có thể đạt được thông qua các chính sách, chương trình huy động và phân bổ nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số nghèo.