Để các anh vơi bớt nhọc nhằn

08:26, 28/04/2011

Thái Nguyên hiện còn 244 thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% sức khoẻ trở lên. Một số người không chủ động trong sinh hoạt cá nhân… Khi Nhà nước có chính sách trợ cấp trực tiếp và trợ cấp cho người chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh mất từ 81% sức khoẻ trở lên đã giúp cuộc sống của các anh vơi bớt khó khăn…

 

Là chiến sĩ của Tiểu đoàn 307, đồng chí Công Văn Thọ đã tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận ở chiến trường miền Nam và có nhiều chiến công. Đến năm 1972, anh Thọ bị thương nặng (mất 91% sức khoẻ) và được cấp trên điều động về điều dưỡng tại Trại Điều trị thương binh nặng Kim Bảng (Hà Nam). Sau 15 năm điều trị, sức khoẻ của thương binh Công Văn Thọ đã dần hồi phục nên chị Dương Thị Là (vợ anh Thọ) đã đề xuất với cấp uỷ, chính quyền phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đưa anh về địa phương để chăm sóc, nuôi dưỡng. Được đồng đội, cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, vận động nhân dân quyên góp công, của cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước căn nhà của anh đã được sửa chữa diện tích đất sau nhà đã được trồng cây. Sự quan tâm đó đã làm ấm lòng người thương binh nặng đã nhiều năm xa quê. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thọ cho biết: "Vết thương cũ thường xuyên tái phát đau đớn nên tâm trạng tôi dễ nóng giận nhưng từ khi về địa phương nhận được sự quan tâm giúp đỡ của mọi người và được gần vợ, gần con nên sức khoẻ, tinh thần của tôi tốt lên nhiều…".

 

Còn chị Là nguyên là cán bộ công tác tại Trại Điều trị thương binh nặng Kim Bảng sau nhiều năm chăm sóc trực tiếp đã có tình cảm rồi chấp thuận cùng anh Thọ kết duyên vợ chồng rồi chị theo chồng về quê từ năm 1987. Cuộc sống nhiều lúc rất khó khăn, con nhỏ, anh Thọ thường xuyên ốm đau nhưng chị Là vẫn mạnh mẽ vươn lên. Hàng ngày ngoài lo việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân cho chồng, hướng dẫn 2 cô con gái học hành, chị Là lại tranh thu tăng gia sản xuất nên kinh tế của gia đình ổn định. Chị Là tâm sự: "Khi lấy anh Thọ tôi đã xác định mình sẽ vất vả nên sau này những lúc khó khăn nhất không thấy nản chí mà chỉ tự nhủ mình phải tìm mọi cách để vượt qua…". Đồng chí Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Phú Xá cho chúng tôi biết cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt về vật chất, tinh thần đối với gia đình thương binh Công Văn Thọ và đây cũng là gia đình tiêu biểu của phường về xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước.

 

Ngoài thương binh Công Văn Thọ, mới đây còn 2 thương bình nặng đã tình nguyện từ các trại điều trị thương binh nặng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về điều dưỡng tại gia đình là thương binh Trương Dực Đức ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) và thương binh Hoàng Quốc Bình ở xã Tiên Phong (Phổ Yên). Thương binh Trương Dực Đức do sức khoẻ yếu đã mất, còn thương binh Hoàng Quốc Bình giờ có cuộc sống ổn định và hạnh phúc bên người thân. Hiện toàn tỉnh còn 244 thương binh, bệnh binh, mất từ 81% sức khoẻ trở lên, trong đó có 9 người do sức khoẻ quá yếu, mắc bệnh tâm thần vẫn phải điều dưỡng tập trung tại trại điều dưỡng thương binh nặng của Bộ ở  các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình. Theo đồng chí Vũ Văn Mão, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) các đồng chí thương binh, bệnh binh mất từ 81% sức khoẻ trở lên từ khi trở về địa phương để thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình đều được chăm lo tốt hơn về vật chất, tinh thần nên mọi người đều đồng tình với chủ trương này.

 

Chính sách đãi ngộ của Nhà nước, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các địa phương và nhất là sự chăm lo thường nhật của người thân đã, đang giúp thương binh, bệnh binh nói chung và những đồng chí mất từ 81% sức khoẻ trở lên có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, những người đã hy sinh xương máu để giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc vẫn đang phải chịu đựng nỗi đau do vết thương tái phát, bệnh tật do sức khoẻ yếu nên vẫn cần tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội…