“Đòn bẩy 135”

08:43, 08/04/2011

Sau gần 5 năm công tác, tôi mới có dịp trở lại Yên Trạch, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn nhất, đồng thời là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của huyện Phú Lương. Nhưng lần trở lại này, cảnh vật đã nhiều đổi thay, con đường đầy ổ gà, lầy lội trước đây nay đã là đường trải nhựa.

 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã, anh Ma Văn Tý cho biết: Đời sống của người dân xã Yên Trạch có được như hôm nay, cũng nhờ Chương trình 135 của Chính phủ được các cấp, ngành triển khai có hiệu quả tại xã. Vì thế cán bộ, nhân dân xã Yên Trạch coi Chương trình 135 như chiếc đòn bẩy kinh tế, mở ra một hướng làm ăn mới, giúp cho cuộc sống của người dân quê tôi đổi đời.

 

Chương trình 135 được triển khai tại xã Yên Trạch từ năm 2006 đến hết năm 2010. Chương trình đã đi vào cuộc sống của người dân và phát huy được hiệu quả kinh tế-xã hội. Ông Nông Văn Trân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh sau nhiều lần về xã Yên Trạch đã có nhận xét: Cái được lớn nhất ở Chương trình 135 là người dân ở đây chuyển đổi được tập quán canh tác. Tức là chuyển đổi từ cách sản xuất phụ thuộc tự nhiên sang cách sản xuất chủ động, như về thời vụ, giống cây trồng, phân bón, đặc biệt là nước tưới... Từng làm Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, rồi Phó Ban Dân tộc tỉnh, nên ông Trân thuộc đồng đất vùng này như lòng bàn tay mình. Vì thế khi đưa Chương trình 135 về Yên Trạch, điều ông băn khoăn lo lắng là sợ đội ngũ cán bộ xã không kham nổi, hơn nữa là lo người dân không ủng hộ. Rồi, điều ông Phó Ban Dân tộc tỉnh lo lắng cũng đã xảy ra...

 

Ông Nguyễn Đình Khôn, Trưởng xóm Na Hiên cho biết: Chương trình xây dựng kênh mương được Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%, nhưng bà con cho rằng đó là những công trình của Nhà nước thì Nhà nước phải làm. Để bà con thông suốt tư tưởng, các xóm Na Hiên, Na Pháng, Na Mẩy, Bản Héo đã có nhiều cuộc họp tuyên truyền về lợi ích của Chương trình 135. Mưa lâu thấm dần, bà con đã tích cực tham gia đối ứng theo quy định của Nhà nước. Qua trao đổi với các đồng chí cán bộ làm việc tại UBND xã, chúng tôi còn được biết thêm: Trong 3 năm gần đây, Chương trình 135 cho người dân xã Yên Trạch 3 công trình thuỷ lợi: Na Hiên N1-2; Na Hiên N2-1 và công trình kênh mương Na Pháng, với tổng vốn 1.089 triệu đồng, các công trình kênh mương tự chảy này bảo đảm nước tưới cho gần 70 ha lúa 2 vụ, tăng gần 10 ha so với trước khi có công trình. Năng suất lúa cũng tăng từ 38 tạ/ha năm 2008 lên 42 tạ ha/2010.

 

Bên đám ruộng mơn mởn xanh ở cánh đồng Na Hiên, chúng tôi gặp các bác: Mạc Văn Khuyên, Mạc Văn Đạm và Lý Thị Kim Cúc đang trò chuyện với nhau về giá giống lúa mới, giá công thuê thợ cày, bừa đất... Tôi hỏi: - trong xóm có nhà ai thiếu lương thực không? Các bác nông dân đã bảo tôi: -Bây giờ nông dân Yên Trạch chưa mua được ô tô đi chơi thôi, chứ thóc lúa trong nhà thì ăn qua luôn cữ giáp hạt chưa hết. Khi ấy ông Mạc Văn Đạm cho hay: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được Chương trình 135 hỗ trợ cho thêm chiếc bình phun thuốc trừ sâu, gia đình tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống, hiện gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã... Cũng từ hiệu quả của Chương trình 135 đem lại, trong xã có hàng nghìn lượt người được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất để mua máy bơm nước, trâu sinh sản, máy chế biến chè, giống cây trồng, giống vật nuôi... Chuyện xoá đói, giảm nghèo giòn tan, ông Nguyễn Đình Hương, xóm Bản Héo, ông Nguyễn Công Lý, xóm Đồng Quốc và bà Dương Thị Đương, xóm Khau Đu còn cho biết thêm: Năm 2010, Chương trình 135 hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhân dân trong xã làm ô mẫu bí xanh, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất bí xanh đạt cao, cứ 10 thước (1 thước bằng 24 m2) đạt năng suất 1,5 tấn quả, giá bán tại vườn 3.000 đồng/kg. Hiện trong xã đã có nhiều hộ chuyển đổi đất ngô, sắn sang trồng bí xanh. Hỏi chuyện làm ăn, ông Nông Văn Đạo, xóm Làng Nông nói với chúng tôi như tâm sự: Từ các mô hình sản xuất lúa giống mới, ngô lai, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm... người dân chúng tôi được nâng cao trình độ canh tác, việc sản xuất của người dân cũng đạt hiệu quả cao hơn.

 

Trong khi đi thăm một số công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135, ông Nguyễn Trọng Luyến, xóm Na Pháng dẫn tôi ra đình chợ, bảo: Từ gần 3 năm nay, dân xã chúng tôi có gì bán, hoặc cần mua sắm gì, ra chợ 135 này đều có cả... Thế mới hay Chương trình 135 đã làm đổi thay nhanh chóng cuộc sống của người dân xã Yên Trạch. Nhất là khi trường THCS, trường mầm non nằm trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, con em trong xã không phải ngồi học trong những ngôi nhà dột nát. Người dân cũng yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình đến trường… Trước khi chia tay, anh Ma Văn Tý còn cho chúng tôi biết thêm: Xã có 12 xóm, gồm hơn 1.500 hộ, trên 6.200 nhân khẩu, trong những năm gần đây số hộ nghèo của xã giảm nhanh, từ 82,34% số hộ nghèo năm 2005, xuống còn 50,1% số hộ nghèo hiện nay. Trong cái bắt tay hò hẹn, anh Tý nói với chúng tôi như thầm hứa: Chỉ nay mai thôi xã Yên Trạch sẽ hết hộ nghèo, bởi con em của xã đã có điều kiện tốt hơn về kinh tế để theo học, chỉ trong thời gian 2 năm 2009, 2010, cả xã có 53 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có 20 cháu thi đỗ đại học- các cháu sẽ là những hạt giống tốt cho vùng đất Yên Trạch của tương lai.