Gắn kết láng giềng gần

09:00, 12/04/2011

Không cùng quê hương, không cùng dân tộc, chỉ bằng tình làng, nghĩa xóm người dân Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã sống bên nhau đầm ấm, gắn bó, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với nhau như người trong một nhà, cùng nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống để xây dựng xóm phát triển. Hiện xóm có 91 hộ dân, 340 khẩu, mỗi năm xóm đều giảm từ 1-3 hộ nghèo, theo tiêu chí mới nhất về bình xét hộ nghèo xóm còn 22 hộ thuộc diện nghèo.

 

Trong tiết thanh minh se lạnh, chúng tôi tìm về xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) để thưởng thức vị ngọt bùi của chiếc bánh ngải - một đặc sản của địa phương. Vừa đến đầu xóm, đã nghe rộn rã tiếng chày, dưới những mái nhà lợp ngói đỏ, chị em chụm đầu làm bánh, chuyện trò cười nói râm ran, ngoài sân lũ trẻ tíu tít nô đùa, không khí ngày Tết Thanh minh chan hòa niềm vui. Nhà trưởng xóm Chu Văn Hường hôm nay đông đúc hơn mọi ngày bởi chị Lương Thị Yến - vợ anh là người làm bánh ngải ngon có tiếng ở xã, vì thế mà mấy chị cùng xóm mang nguyên liệu sang nhà chị cùng làm.

 

Trong gian bếp bày biện đủ thứ đồ nghề làm bánh, các chị phân công nhau mỗi người mỗi việc, chị thì xay bột, chị giã ngải, chị gói bánh… Chị Yến cho biết: Phụ nữ ở đây ai cũng biết làm bánh ngải, nhưng để không khí ngày Tết thêm đầm ấm, vui vẻ, mấy chị em chúng tôi thường tụ tập lại cùng làm rồi chia cho các gia đình về cúng tổ tiên và thưởng thức. Không chỉ ngày Tết thanh minh mà tất cả các ngày lễ, tết trong năm chúng tôi đều có những hoạt động tập thể như vậy. Ngoài ra, ngày thường cũng có các hoạt động tập thể như văn nghệ, thể thao… Không cần phải có chương trình đội văn nghệ của xóm mới tổ chức tập luyện mà cứ thứ tối 7 hằng tuần, 22 thành viên trong đội văn nghệ lại có mặt tại nhà văn hóa xóm để tập luyện và giao lưu với nhau. Có khi chỉ là hát cho nhau nghe hay dạy nhau những bài hát mới, nhưng những buổi sinh hoạt như thế luôn tạo cho mọi người tâm trạng vui vẻ, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả và chính những buổi sinh hoạt này đã làm cho phong trào văn hóa - văn nghệ ở đây ngày càng phát triển. Mỗi khi có các cuộc thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức, xóm đều có đội tham gia và giành được các giải cao.

 

Ngoài đội văn nghệ, xóm còn có đội kéo co, bóng bàn, đẩy gậy thường xuyên tham gia thi đấu các giải ở địa phương. Những hoạt động tập thể này là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các hộ dân trong xóm. Cụ Lục Trung Thành, 80 tuổi là một trong những người đầu tiên đến định cư tại đây kể về những ngày đầu thành lập xóm: Tôi quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn, về đây năm 1947. Khi đó, cả 3 xóm Trung Thành 1, Trung Thành 2 và Trung Thành 3 mới có 19 hộ ở các tỉnh về, gồm có 5 dân tộc anh em là: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chí, Sán Dìu. Ban đầu đến đây, ruộng không có chỉ toàn rừng rậm ngút ngàn, chúng tôi phải phát rừng làm rẫy, cuộc sống muôn phần gian nan. Nhà tôi 1 năm chỉ đủ gạo ăn trong 6 tháng, quanh năm ăn cơm độn sắn, độn khoai. Từ ngày đó, tình cảm giữa các hộ dân ở đây đã gắn bó keo sơn như anh em một nhà, chúng tôi thường xuyên động viên nhau làm việc để vượt qua giai đoạn khó khăn, hỗ trợ nhau những lúc bế tắc. Cùng chung cảnh nghèo, nhưng hộ nào còn gạo là sẵn sàng mang đến giúp những hộ đứt bữa. Mọi người trong xóm trồng cây gì, trồng như thế nào cũng đều bảo nhau mà làm, vì thế mà hễ có loại cây gì mới, hay nuôi con gì có hiệu quả kinh tế là cả xóm đều làm.

 

Thế rồi giai đoạn khó khăn ấy cũng dần qua đi nhờ cây chè được đưa về trồng trên đất này. Nhận thức được Vô Tranh là mảnh đất phù hợp với cây chè, nên bà con trong xóm bảo nhau tập trung trồng chè. Đến nay, nhà nào cũng có chè, cả xóm có trên 50ha chè, trung bình mỗi hộ khoảng 4-5 sào, hộ nhiều khoảng 1ha. Kỹ thuật trồng chè cũng được bà con chia sẻ với nhau tỉ mỉ. Bà Lưu Thị Hỳ cho biết: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, nhà chỉ có 2 mẹ con. Mặc dù có 3 sào ruộng, 3 sào chè nhưng do không biết cách làm ăn nên mãi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo, nhờ chị em trong Chi hội phụ nữ xóm hướng dẫn cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng, trong đó tập trung trồng, chăm sóc và chế biến chè nên năm 2010, diện tích chè của gia đình cho năng suất cao nhất từ trước tới nay đạt 3 tạ búp khô/lứa, cả năm tôi thu được trên 50 tạ chè búp khô, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo.

 

Ngoài gia đình chị Hỳ, hễ gia đình nào gặp khó khăn là bà con trong xóm lại tập trung giúp đỡ. Hiện xóm có 91 hộ dân, 340 nhân khẩu, mỗi năm xóm đều giảm từ 1-3 hộ nghèo, theo tiêu chí mới nhất về bình xét hộ nghèo xóm còn 22 hộ thuộc diện nghèo. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, bà con ở đây còn luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, nhà nào có người đau ốm, qua đời, xóm đều tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để gia đình vượt qua khó khăn, từ đó tình làng nghĩa xóm càng gắn bó, thân thiết hơn. Câu chuyện giữa chúng tôi còn chưa dứt thì dưới bếp các chị đã hoàn tất mẻ bánh ngải thơm phức. Bê đĩa bánh nóng hổi mời chúng tôi thưởng thức, vị ngăm ngăm của lá ngải cùng với vị ngòn ngọt của bột nếp, đỗ xanh, đường hòa quyện ngọt mãi nơi đầu lưỡi. Vị ngọt dịu ấy kéo dài thật khó quên, dường như nó còn chứa đựng cả tình cảm của những người dân nơi đây.