Hiệu quả từ mô hình quản lý rừng hợp nhất

07:47, 06/04/2011

Tháng 5-2010, Ban Quản lý (BQL) rừng ATK Định Hóa được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 đơn vị  của huyện là: BQL rừng phòng hộ; BQL khu rừng cảnh quan ATK và Hạt Kiểm lâm. Sau gần một năm đi vào hoạt động, BQL rừng ATK Định Hóa - mô hình thí điểm quản lý rừng hợp nhất đầu tiên ở Việt Nam - đã đạt được những hiệu quả bước đầu.

 

Mô hình thí điểm này được thực hiện tại Định Hóa trong giai đoạn 2010-2020. Đây là tổ chức trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT). Tổ chức hành chính của BQL rừng ATK Định Hóa bao gồm: Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các phòng, đơn vị trực thuộc. Ban có nhiệm vụ: quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn; thực hiện các biện pháp nhằm phát triển bền vững các nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên; tham gia giải quyết các tranh chấp về rừng và đất rừng theo quy định… Đồng thời, mô hình còn thực hiện ý tưởng tăng cường những dịch vụ liên quan đến kinh tế đồi rừng như: cung ứng giống; hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng; chế biến và tiêu thụ lâm sản; nâng cao nhận thức của người dân về rừng thông qua các hoạt động tư vấn và tuyên truyền... Được biết, đây là mô hình tiên tiến đã được triển khai và đạt được thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Một hiệu quả dễ nhận thấy từ khi BQL rừng ATK Định Hóa ra đời và đi vào hoạt động là sự thống nhất hơn trong công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, trên địa bàn huyện có tới ba đơn vị ngang cấp cùng thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng (là BQL rừng phòng hộ thực hiện quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất; BQL rừng cảnh quan ATK Định Hóa với nhiệm vụ quản lý và phát triển diện tích rừng cảnh quan vùng ATK và rừng đặc dụng; lực lượng Kiểm lâm bảo vệ rừng và thực thi pháp luật về rừng địa phương) thì nay đã được thống nhất làm một. Từ đó loại bỏ được những bất cập như: là chủ rừng nhưng không có quyền bắt giữ, xử phạt những hành vi vi phạm lâm luật, trong khi lực lượng Kiểm lâm lại thiếu thông tin; hạn chế được sự chồng chéo trong hoạt động và tăng cường được mối liên hệ, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các bộ phận.

 

Ví dụ điển hình ở xã Bảo Linh, địa phương có diện tích rừng lớn của huyện Định Hóa, gồm 1.118ha rừng đặc dụng và 600ha rừng sản xuất. Trước đây, trên địa bàn xã vẫn diễn ra tình trạng người dân khai thác lâm sản trái phép, nhưng 1 năm nay xã không để xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào. Anh Hoàng Văn Trường, cán bộ lâm nghiệp xã nhận định: Có được điều này là do BQL rừng ATK Định Hóa đã phối hợp với xã tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời những chính sách về rừng đã được phổ biến triệt để đến người nông dân, như: cơ chế về khoán trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng; khai thác những lâm sản tại chỗ theo quy định... nên người dân đã yên tâm sống dựa vào rừng. Còn ông Lý Văn Nghĩa, cán bộ lâm nghiệp xã Quy Kỳ thì tâm đắc: "Sự thống nhất về quản lý, chỉ đạo giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Trước đây, có tuần tôi phải làm việc với cả 3 đơn vị của huyện về cùng nội dung là kiểm tra, giám sát về quản lý và phát triển rừng trên địa bàn, mất rất nhiều thời gian và công sức.

 

Hiện nay, tất cả công việc liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp như: chuẩn bị trồng rừng; quy hoạch phát triển rừng; cấp phép và giám sát khai thác lâm sản... đều được giao cho một cán bộ phụ trách địa bàn. Như vậy, chúng tôi có thể dễ dàng liên hệ, trao đổi công việc, đồng thời cũng giảm phiền hà cho người nông dân". Nhờ sự phối hợp chặt chẽ hơn của các bộ phận liên quan, trong năm 2010 công tác quản lý và bảo vệ rừng ở huyện Định Hóa đã có nhiều khởi sắc. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Tổng số có 31 vụ vi phạm, giảm 33 vụ so với năm 2009, lực lượng chức năng đã thu giữ 63m3 gỗ quy tròn, giảm 82m3 gô so với năm trước. Các cơ quan chức năng cũng đã cấp phép và giám sát 302 hồ sơ khai thác rừng với tổng số 5.157m3 gỗ. Toàn huyện chỉ để xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại khoảng 0,2 ha.

 

Sự thống nhất chỉ đạo cũng giúp cho công tác chuẩn bị trồng rừng trong năm 2011 được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Nếu như mọi năm, 2 đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ trồng rừng của huyện là BQL rừng phòng hộ và BQL khu rừng cảnh quan ATK Định Hóa độc lập thực hiện thì năm nay đã được thống nhất triển khai tại các cơ sở. Hiện tại, BQL rừng ATK Định Hóa đã phối hợp với Công ty Tư vấn thiết kế Thái Nguyên tiến hành thiết kế trồng rừng được gần 1.000ha đất lâm nghiệp (bằng kế hoạch huyện Định Hóa giao năm nay). Trong quá trình chuẩn bị trồng rừng lại có sự tham gia của cán bộ Kiểm lâm khu vực nên quá trình thực hiện cơ bản đúng trình tự và đúng đối tượng. Với tiến độ chuẩn bị trồng rừng hiện nay bảo đảm huyện Định Hóa sẽ hoàn thành trồng rừng đúng thời vụ, dự kiến đạt và vượt kế hoạch về diện tích được giao...

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng BQL rừng ATK Định Hóa khẳng định: Với ý tưởng thống nhất quản lý tất cả các loại rừng trên một địa bàn, sau một năm hoạt động, mô hình thí điểm quản lý rừng hợp nhất tại Định Hóa đã bước đầu phát huy hiệu quả. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc của cán bộ trong ban và tăng cường các dịch vụ về rừng đến với người dân. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, BQL rừng Định Hóa đang gặp phải khá nhiều lúng túng cần được tư vấn, hỗ trợ như: Việc phân công chức năng, nhiệm vụ của các vị trí; cơ chế hoạt động và phối hợp hoạt động giữa các phòng, đơn vị trong ban; thiếu nhiều trang thiết bị hoạt động như phần mềm thiết kế bản đồ, thiết bị định vị GPS; cán bộ, nhân viên trong ban mong muốn được tập huấn, bổ sung kiến thức về các lĩnh vực khuyến lâm, tin học, quản lý các dự án…