Hội nghị trực tuyến về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

17:48, 15/04/2011

Chiều 15-4, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để sơ kết 01năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Tham dự ở điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án.

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án). Theo đánh giá của TW, Đề án từng bước được triển khai đồng bộ, đúng hướng và đạt được những kết quả bước đầu. Riêng năm 2010 đã có 53/63 tỉnh, thành đã đưa nội dung Đề án vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đảng bộ giai đoạn 2011-2015; 41/63 tỉnh, thành ban hành được chỉ thị của tỉnh uỷ, thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án.

 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, sau 1 năm thực hiện Đề án đã tổ chức điều tra được 100% số hộ nông nghiệp của 180 xã, phường, thị trấn. Kết quả có 79.098 lao động nông thôn đăng ký học nghề. Năm 2010 đã tổ chức được 70/73 lớp dạy nghề theo kế hoạch với tổng số 1.900 LĐNT. Năm 2011, tỉnh có kế hoạch tổ chức 97 lớp, với tổng số 2.906 LĐNT tham dự.

 

Tại Hội nghị đã có 10 ý kiến phát biểu của lãnh đạo, sở lao động thương binh và xã hội, các trung tâm dạy nghề, người nông dân ở một số tỉnh đã làm rõ hơn kết quả thực hiện Đề án của từng địa phương.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án ở các địa phương. Về nhiệm vụ triển khai trong năm 2011, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiện toàn, hình thành các ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra lại “4 có” (có chương trình, có bộ máy; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương kết hợp điều tra ở địa phương để biết nhu cầu lao động; cấp tỉnh, cấp huyện có danh sách cơ sở đào tạo những nghề mình cần và có chương trình thông tin của tỉnh về đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm) và “4 biết” (ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện phải biết địa chỉ, cơ sở điển hình có cơ sở đào tạo nghề giới thiệu việc làm ở trong và ngoài tỉnh; người lao động phải biết cơ sở đào tạo; biết chương các chính sách hỗ trợ và biết khả năng học rồi sẽ làm việc ở đâu?).