Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

15:45, 01/04/2011

Trong 10 năm qua, công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn Thái Nguyên tiếp tục được cải cách theo hướng phân công, phân cấp cụ thể hơn (về quản lý, bổ nhiệm, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức) cho người đứng đầu các cơ quan hành chính, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp.

 

Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh về các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị khi tuyển dụng công chức bắt buộc phải qua thi tuyển, còn viên chức sự nghiệp được áp dụng cả 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển theo chế độ hợp đồng. Việc thi nâng ngạch đối với chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương tiếp tục được triển khai, qua đó tạo ra sự thay đổi tích cực góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

 

Riêng công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ (thuộc diện Tỉnh uỷ và UBND tỉnh quản lý) là 338 người; sở, ngành, UBND cấp huyện bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo là 393 người; bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính và tương đương 210 người; chuyển ra ngoài tỉnh 260 người; tiếp nhận về tỉnh 194 người; điều động nội bộ 648 người; chuyển ngạch, nâng ngạch cho công chức, viên chức của các sở, ngành 4.029 người… Cơ cấu ngạch cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện hiện nay là chuyên viên trở lên chiếm tỷ lệ 72,84% , cán sự và nhân viên chiếm 27,16%. Về tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã giải quyết chính sách cho 281 người; theo Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP của Chính phủ đã giải quyết chính sách cho 555 người; giải quyết nghỉ hưu trước thời hạn theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho 1.192 người.

 

Việc xem xét kỷ luật công chức từ năm 2001 đến nay tại tỉnh thực hiện đúng quy định, đúng quy trình, đúng người, đúng vi phạm, mang tính giáo dục cao, không có trường hợp bị oan, sai, các vi phạm chủ yếu về vai trò quản lý, điều hành. Cụ thể: Khiển trách 72 trường hợp; cảnh cáo 80 trường hợp; hạ bậc lương 10 trường hợp; cách chức 05 trường hợp; buộc thôi việc 08 trường hợp… 

 

Với cơ chế cán bộ, công chức đi học đại học và sau đại học được ngân sách địa phương hỗ trợ một khoản tiền nhất định cho cả khoá học (cán bộ, công chức học tiễn sĩ được hỗ trợ từ 12 đến 15 triệu đồng; học thạc sĩ được hỗ trợ 8 đến 10 triệu đồng; học chuyên khoa cấp I, cấp II  hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng) đã tạo động lực đề cán bộ, công chức phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Nâng cao chất lượng đầu vào và tạo điều kiện để cán bộ, công chức học tập nên trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện khá cao (chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên 74,67%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 39,08%). Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã về chuyên môn, chính trị, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xây dựng Đảng và tin học cũng đã được tỉnh và cấp huyện quan tâm. Trong 10 năm qua tỉnh đã tổ chức đào tạo 01 lớp đại học Kinh tế Nông nghiệp vừa học vừa làm với 97 học viên là cán bộ chủ chốt cấp xã; bồi dưỡng tin học được 237 học viên là cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng kỹ năng hành chính đối 336 cán bộ là Chủ tịch HĐND, UBND xã; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về đất đai, tài chính, tư pháp cho 1.858 lượt cán bộ cấp xã; đào tạo lý luận chính trị cho 440 người cán bộ, công chức cấp xã...

 

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được nâng cao về mọi mặt và rèn luyện thử thách qua thực tế công tác đã từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.