Người anh hùng của Cụm tình báo H63

10:31, 14/04/2011

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã tìm gặp đại tá Nguyễn Văn Tàu, Cụm trưởng Cụm tình báo H63, người chỉ huy của những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo...  

 

Tuổi trẻ và lý tưởng cách mạng

 

Nắng trải vàng như mật ong trên con đường chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Tàu trên đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Ông lão 84 tuổi dáng người quắc thước, nụ cười đôn hậu say sưa kể về những ngày đầu đi làm cách mạng, hoạt động tình báo và về những chiến công của ông và đồng đội cho chúng tôi nghe.

 

Đại tá Nguyễn Văn Tàu tên thường gọi là Tư Cang, sinh ra tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1928, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng ông rất ham học và học rất giỏi. Học 6 năm trường làng, trường tỉnh và sau đó thi vào trường Petrus Ký đậu cao, ông được học bổng và ở nội trú. Tại trường Petrus Ký, ông đã học được tiếng Pháp, tiếng Nhật, với các giáo sư người Pháp. Sau đó, quân Nhật và Pháp đánh nhau lấy trường, nên trường phải chuyển về Mỹ Tho. Nhà ông lúc đó không đủ tiền để cho con đi theo về Mỹ Tho học nên ông đành về quê, vào thanh niên tiền phong, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Ngày 23-8-1945, ông cùng những người trong đội thanh niên tiền phong cầm tầm vông vót nhọn cướp chính quyền ở thị xã Bà Rịa. Sau đó không lâu, ông được cấp trên điều cử vào ngành tình báo.

 

Vì biết tiếng Pháp, nên các cấp chỉ huy đưa ông vào ngành tình báo, quân báo tỉnh Bà Rịa. Từ nhân viên tình báo, đến năm 1950 ông được cấp trên cho ra chiến khu D học khoá bổ túc cán bộ trung đội trưởng. Rồi ông được điều về làm chỉ huy phó quân báo tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Khi đó, tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn từ Xuyên Mộc kéo về đến Mộc Hoá - Long An, căn cứ đóng ở rừng Sác, ông làm tổ trưởng quân báo Cần Đước - Cần Giuộc - Nhà Bè, phó chỉ huy quân báo tỉnh. Năm đó, ông vừa tròn 26 tuổi. Đơn vị quân báo của ông vẽ bản đồ cầu chữ Y và hệ thống phòng ngự của lực lượng Bảy Viễn - Bình Xuyên cho bộ đội ta đánh. Đây là trận đánh của các đơn vị quân báo mang tính phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông thay mặt cho bộ đội rừng Sác vào đồn Lý Nhơn thương lượng với lực lượng của thực dân Pháp điều xe chở bộ đội tập kết ra Bắc. Ông hồi tưởng: “Lúc đó hiệp định Giơnevơ chưa ai biết thì mình được cử đi vào thảo luận với tay quan ba Pháp”. Nhưng trước khi ông đi, ông Chín Cần, lúc đó là Phó Bí thư Huyện uỷ dặn: “Nếu giặc nó bắn thì cũng đi tới, không có chạy lui. Chúng nó mà bắn thì chúng ta sẽ kiện lên Uỷ ban Quốc tế”. Thời gian ông vào cơ quan đầu não của Pháp thì bên thực dân Pháp biết trước Hiệp định Giơnevơ sẽ được ký kết, “nên bên họ đã chờ mình thảo luận và chính mình là người chiến thắng”, ông Tư Cang nói.

 

Năm ấy, ông và các đồng đội miền Nam tập kết ra miền Bắc ở Thanh Hoá. Sau đó, đơn vị của ông lên Hoà Bình, cắt tranh, tre để lập doanh trại. Những chiến sỹ miền Nam tập trung thành sư đoàn. Lúc bấy giờ, đại tá Tô Ký làm Chính uỷ sư đoàn. Vào năm 1958, lần đầu tiên quân đội được phong quân hàm, ông Tư Cang là Chính trị viên đại đội được phong quân hàm thượng uý của Đại đoàn 338.

 

Mặc dù đang ở trên đất Bắc, nhưng trong lòng ông luôn thôi thúc rằng, mình phải về Nam đánh giặc, vì phía kẻ thù không chấp hành Hiệp định Giơnevơ, và tới năm 1956 không có Tổng tuyển cử. Ông đã chăm chỉ tập luyện những kỹ thuật của tình báo, tập lái môtô. Cũng tự ông mua máy ảnh, tập chụp ảnh, tráng rửa ảnh rồi tập bắn súng ngắn hai tay. Ông là xạ thủ súng ngắn của Sư đoàn. Mỗi tháng Bộ Quốc phòng cấp cho 39 viên đạn K54, ông vào núi Miếu Môn tập bắn. Mỗi kỳ thi bắn với các xạ thủ của quân khu và các kiện tướng như Trần Oanh, Trần Minh, Hồ Xuân Kỷ (là 3 kiện tướng của Miền Bắc), ông luôn học hỏi những yếu lệnh để một ngày về đến quê hương miền Nam thân yêu sẽ hữu dụng cho công việc của ngành tình báo sau này.

 

Đến năm 1961, ông được giữ lại học nghiệp vụ tình báo 6 tháng ở Hà Nội đến tháng 12 năm đó mới nhận được lệnh hành quân về Nam, đi 100 ngày trên các triền núi Trường Sơn bên nước bạn Lào để về đến chiến khu D. Tháng 4-1962, tại chiến khu D, ông tiếp nhận mạng lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn. Địa điểm của Cụm đóng tại rừng chồi Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi - Sài Gòn - Gia Định, với nhiệm vụ võ trang, liên lạc chỉ đạo bằng thư từ, lấy tin tức ở trong nội thành đưa về Trung ương.

 

Đến năm 1966, khi đế quốc Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, ông Tư Cang có nhiệm vụ sâu sát trong khu vực nội thành, đưa những chỉ đạo từ cấp trên đến với lưới tình báo của ông Phạm Xuân Ẩn được thông suốt. Ông có nhiệm vụ phụ trách bộ phận võ trang gồm 20 người ở khu căn cứ tại Bến Đình - xã Nhuận Đức, chỉ huy chống càn, dạy bộ đội về chiến thuật, kỹ thuật quân sự; Chỉ huy giao liên ở trong ấp chiến lược đi về Sài Gòn, nhận thông tin của cơ sở mình trong nội thành gửi ra...

 

Đấu trí với kẻ thù

 

Với tư cách là Cụm trưởng Cụm tình báo H63, ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) luôn có mặt ở Sài Gòn để chỉ đạo mạng lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn điều tra, nghiên cứu những kế hoạch của kẻ thù cũng như giải quyết những tình huống khó khăn phức tạp. Có những nhiệm vụ cấp trên giao cho ông và ông Ẩn rất gay go và ác liệt, có thể hy sinh đến tính mạng.

 

Cụm tình báo H63 mà cụ thể là lưới tình báo của ông Ẩn năm nào cũng lấy được kế hoạch của quân sự của kẻ thù. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Việt Nam Cộng hoà ký một văn bản quân sự cho năm sau gọi là AB, kế hoạch đó phía địch vừa ban hành trong vòng 5 - 7 ngày thì Trung ương Cục tình báo mình có. Đó là kế hoạch dài hơi của kẻ thù, kế hoạch cả năm, cũng như kế hoạch chiến lược và huấn luyện chiến lược quân sự cho lính cộng hoà. Những tài liệu ấy với tài trí và sự khéo léo, ông Ẩn lấy được và chuyển về theo đường giao liên của Cụm tình báo H63 để chuyển về Trung ương, do vậy mọi hoạt động quân sự của kẻ thù Trung ương của ta đều biết trước. Những chiến công của Cụm tình báo H63 đã được Nhà nước phong tặng là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào năm 1971 (ảnh dưới).

 

Cụm tình báo H63 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang 

 

Rất nhiều kỷ niệm mà ông và đồng đội phối hợp làm nhiệm vụ, cho đến nay ông vẫn không thể quên. Cụ thể như đêm cuối năm 1967, bọn Mỹ đang rình đánh địa đạo. Từ 30 Tết hai bên ngừng bắn 3 ngày, cho dân ăn Tết. Nhưng bọn địch lại nói với dân, không ngừng bắn, vì dưới đất có một nhóm Việt cộng có máy và điện đài nên chúng quyết tâm bắt cho được toán Việt cộng là nhóm võ trang của ông Tư Cang. Trên điện xuống cho 7 - 8 đồng chí bộ đội rút về căn cứ Bời Lời, riêng ông phải vào trong đô thành Sài Gòn điều nghiên và báo cáo ra Trung ương cho cụ thể. Đêm 30 Tết, anh em cắt vòng vây của địch về căn cứ, còn mình ông đi vào xóm, ấp cải trang thành thầy. Ngày 1 Tết, ông đến nhà bác Bảy, có tên thường gọi là dượng Hai, một cơ sở cách mạng. Ngoài ấp, tụi Mỹ vẫn bố ráp tìm bắt cho được đội võ trang của ông. Ông bàn với dượng Hai, khi bọn Mỹ đi ngang, hỏi thì dượng Hai cứ nói, đây là thằng cháu dưới Sài Gòn lên chơi. Ông Tư Cang hồi nhớ, ngày hôm qua còn ở ngoài địa đạo đánh nhau với kẻ địch, hôm nay ngồi ở nhà ông dượng Hai nói tiếng Mỹ, rót rượu mời bọn chúng uống. Khi lính Mỹ đi khỏi, ông thay quần áo, lên xe đàng hoàng về Sài Gòn nghiên cứu cách phòng bị của kẻ thù trong những ngày Tết.

 

Mùa Xuân năm 1968, trên đề ra ba khả năng, đó là chiếm lấy Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực cao cấp, và đánh sập ý chí xâm lược của chúng. Cả miền Nam nổi dậy, lực lượng tình báo cũng được cấp trên chỉ định khi cần kíp cũng đánh địch trên mọi tình huống. Năm đó cấp trên có trang bị cho 2 khẩu súng K54 và 30 viên đạn. Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể: Tình báo của mình thu thập tình hình và báo cáo ra Trung ương là chủ yếu. Trên nhận định, đây là trận cuối cùng nên tình báo cũng tham gia đánh địch, các cụm khác cũng được trang bị các loại vụ khí. Cụm H63 có ông là xạ thủ bắn súng hai tay, nên đã được trên trang bị cho 2 khẩu súng ngắn. Tối mùng 1 Tết Mậu Thân, các chiến sĩ biệt động thành của ta tấn công vào Dinh Độc Lập, nhưng bị địch đẩy lui ra. Đường Nguyễn Du và đường Thủ Khoa Huân ở chợ Bến Thành đi lên, góc ngã tư này có công trình xây dang dở, anh em bên mình phòng ngự trong toà nhà đó. “Trong trận đó, tôi đang ở trong nhà của một cơ sở cách mạng, nhưng thấy các đồng chí của mình bị vây hãm và súng cũng gần hết đạn nên tôi đã chi viện cùng đồng đội. Hai viên đạn K54, bắn vỡ đầu hai tên chỉ huy của kẻ thù, nhằm nhắn nhủ các đồng chí của mình: Bên cạnh các đồng chí, có chúng tôi cũng đang sát cánh” - ông kể. Bắn xong hai viên đạn thì ông giấu súng. Bọn địch hoảng sợ, lùng sục các nhà dân, nhằm tìm cho được người đã bắn chết hai tên chỉ huy của chúng. Bọn địch chạy qua Thủ Khoa Huân, rồi  vào nhà cô Tám Thảo, nơi ông đang ẩn náu. Bên dưới nhà cô Tám Thảo, bọn giặc đang lục soát, khi ấy ở trên lầu ông đã chuẩn bị cho mình một viên đạn, phòng khi bị bắt để khỏi phải lọt vào tay kẻ thù. Nhưng bằng tài trí của cô Tám Thảo, một chiến sĩ tình báo trong Cụm tình báo H63 mà kẻ địch chỉ lục soát nhà một lúc rồi rút lui…

 

 Khó có thể kể hết những trận đấu trí căng thẳng với kẻ thù của các chiến sĩ tình báo trong Cụm tình báo H63 mà ông Tư Cang là người chỉ huy, đã thu được những tin tức tình báo quan trọng và tối mật về cho cách mạng. Đó cũng là những chiến công mang tính huyền thoại, góp vào chiến công của nhân dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công vang dội của mùa Xuân năm 1975, quân dân cả nước tấn công vào đô thành Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...