Nhiếp ảnh gia đặc biệt

15:00, 05/04/2011

Có một người khiếm thị đã chụp được những bức ảnh đẹp để trưng bày ở các triển lãm lớn. Ngoài đam mê chụp ảnh, anh còn tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm  người khuyết tật, trẻ mồ côi. Anh  là Ngô Văn Biểu, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.

 

Trước khi bị khiếm thị, anh Biểu làm nghề sửa chữa điện tử và là trụ cột kinh tế trong gia đình. Bất ngờ, cuộc đời anh đã rẽ sang ngả khác sau một phút bất cẩn hàn cánh quạt, đôi mắt của anh bị mạt sắt bắn vào. Chủ quan, anh chỉ nhỏ thuốc mắt vài lần. Nhưng hai mắt của anh ngày càng tấy đỏ, sưng mọng. Anh đến Bệnh viện Mắt trung ương khám và được các bác sĩ cho biết mắt của anh bị tổn thương giác mạc và bị đục thủy tinh thể cần phải phẫu thuật ngay thì mới có cơ hội hồi phục một phần. Chi phí phẫu thuật quá tốn kém, nên anh đành chấp nhận sống trong cảnh mù lòa.

 

Kể về cơ duyên trở thành nhiếp ảnh gia khiếm thị có một không hai trong làng nhiếp ảnh, anh Biểu cho biết "Nghề chụp ảnh đến với tôi là một sự tình cờ. Năm 2008, tôi đang là hội viên Hội Người mù huyện Hậu Lộc thì được biết Tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED) đang tổ chức đào tạo nhiếp ảnh cho người khuyết tật. Tôi đã đăng ký tham gia". Lúc đầu, Ban tổ chức không đồng ý vì thấy anh là người khiếm thị, nhưng cuối cùng anh đã thuyết phục được họ. Lớp học chỉ có mình anh  bị khiếm thị. Thấy anh ham học, các giáo viên đã tận tình chỉ bảo. Anh chụp bằng sự cảm nhận của lý trí và tình cảm của mình. Trước khi bấm máy, anh lắng nghe âm thanh, nghe  chuyện của người đang nói để hình dung con người, cảnh quan và chọn thời điểm bấm máy... Thế rồi niềm vui bất ngờ đã đến với anh, những bức ảnh của anh chụp đã được chọn trưng bày trong triển lãm ảnh "Đối mặt" tại viện Goethe Hà Nội (triển lãm trưng bày 92 ảnh thì anh Biểu được chọn 16 ảnh). Tại triển lãm ảnh "Vượt dốc" do Tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED) tài trợ, diễn ra tại Thanh Hóa, anh Biểu đã được chọn 6 ảnh trong số 80 ảnh trưng bày. Người  xem các bức ảnh của anh Biểu chụp rất ngạc nhiên lẫn thán phục bởi ảnh nét, đẹp, hoàn chỉnh về bố cục và có hồn.

 

Với những thành công ban đầu, anh Biểu đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng chụp ảnh. Sau hơn hai năm theo nghề, anh đã chụp được cả nghìn bức ảnh. Nhân vật trung tâm của các bức ảnh là những số phận, cuộc đời người khuyết tật, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua những bức ảnh, anh Biểu muốn gửi thông điệp đến với mọi người "Hãy giúp đỡ, ủng hộ người khuyết tật trong mọi hoàn cảnh để chúng tôi hòa nhập cộng đồng".

 

Là người tiên phong trong các hoạt động giúp đỡ những người đồng cảnh, anh thành lập Câu lạc bộ (CLB) người khuyết tật "Vì màu xanh tương lai". Anh đã tập hợp được hơn 200 hội viên là người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho các hội viên với các nghề  đan cói, mỹ nghệ, đan giỏ hoa, chiếu tre, tăm hương… Sản phẩm do CLB làm ra đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Pháp, Nhật và các nước Đông Âu . "Hiện tôi đang liên hệ với  vài cơ sở mát xa của người khuyết tật ở Hà Nội nhờ họ tư vấn kỹ thuật tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt cho các hội viên, sau đó sẽ mở cửa hàng để tạo việc làm cho anh chị em " - anh Biểu hồ hởi cho biết.

 

Một số học viên sau khi học nghề tại cơ sở sản xuất của anh Biểu đã ở lại làm việc với thu nhập 500 - 800 nghìn đồng/người/tháng. Một số khác có tay nghề vững đã mở cơ sở  kinh doanh, sản xuất như chị Nguyễn Thị Vượng, khuyết tật chân và tay, hiện đã tạo việc làm cho gần chục lao động khuyết tật từ nghề làm chiếu tre. Chị Nguyễn Thị Trâm, bị khiếm thị từ nhỏ, học nghề xong đã mở cơ sở tình thương chuyên sản xuất tăm hương và đan giỏ hoa, tạo việc làm cho 25 người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Cơ sở của anh Biểu vừa gia nhập Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Hội Doanh nghiệp thương binh - Người khuyết tật của tỉnh Thanh Hóa. Bản thân anh đảm nhận trọng trách Chủ nhiệm HTX dạy nghề và phục hồi chức năng cho người khuyết tật 18-4 (gồm 200 xã viên). "Tôi rất mong  chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi được vay vốn, mở rộng cơ sở sản xuất để có thể dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ có cơ hội tự lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng" - Đó là điều anh Biểu luôn trăn trở.