Nhớ về nguồn cội

09:54, 08/04/2011

"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba". Đã là công dân Việt Nam, có ai không biết, không nhớ đến ngày giỗ Tổ vua Hùng. Ngày giỗ Tổ hằng năm, Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) lại đón tiếp hàng triệu lượt người từ mọi miền đất nước hội về, với tâm niệm một nén tâm nhang, thành kính biết ơn người dựng nước…

Cũng những ngày này, trên vùng đất Thái Nguyên, nhiều người dân không có điều kiện về nơi đất tổ, nên đã cùng nhau chuẩn bị nhang, đèn, oản quả… những nghi lễ cần thiết để giỗ vua Hùng. Ông Phạm Trần Đang, 74 tuổi, Trưởng Ban Quản lí di tích lịch sử văn hoá Đình Hùng Vương cho biết: Đình Hùng Vương được dựng tại tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) từ khoảng hơn 100 năm nay. Trước đây, vào ngày giỗ Tổ nhân dân địa phương đến đây bái vọng vua Hùng. Nhưng năm nay tại đây sẽ là một trong những địa điểm mà nhân dân được phép tổ chức nghi lễ giổ Tổ.

 

Trò chuyện với chúng tôi, các bà: Nguyễn Thị Hồng Lương; Vũ Thị Dịu, thành viên Ban Quản lí di tích Đình Hùng Vương cho biết thêm: Được phép của UBND T.P Thái nguyên, đặc biệt là được sự đồng ý của Ban Quản lí Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), ngày 19-5-2010, Ban Quản lí di tích Đình Hùng Vương đã rước chân nhang, lô nhang, thánh hiệu, đất và nước từ Đền Hùng về. Đất lấy ở khu Đền Thượng, nước lấy từ giếng Ngọc, tượng trưng cho nhị vị công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa… Cạnh ban thờ vua Hùng, còn thờ 68 liệt sĩ, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ kháng chiến của địa phương…

 

Trước ban thờ vua Hùng rực rỡ sơn son thếp vàng, tôi miên man hoài niệm: "Con chim có tổ, con người có quê"... Lời dạy của người xưa là muốn răn dạy cháu, con dù có đi đến đâu, làm gì thì cũng biết nhớ về nơi gốc gác sinh thành của mình. Nhất là trong thời đại đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới, người Việt Nam đã có mặt ở khắp các châu lục, nhưng luôn đau đáu nhớ về Tổ quốc - nơi nguồn cội sinh thành, có sự tích mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân sinh được trăm trứng. Cố nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Chúng ta con một cha, nhà một nóc/Thịt với xương tim óc dính liền…" Nhà" của "chúng ta" là Tổ quốc Việt Nam có bề dày hơn bốn nghìn năm văn hiến. Chắc chắn trên thế giới duy nhất chỉ có đất nước Việt Nam, người Việt Nam chung quan niệm mình là cháu con một nhà, cùng thờ ông Tổ của mình là Vua Hùng Vương…

 

Tương truyền: Vua Hùng đã đi khắp trong nước, cuối cùng mới chọn vùng đất thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ - vùng sơn thuỷ hữu tình để đóng đô. Sau trở thành nơi thờ tự các Vua Hùng. Non sông bao phen binh đao, máu bao người con của dòng giống Lạc Hồng đã nhuộm đỏ sông, núi vì tự do. Nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào thì con Lạc, cháu Hồng vẫn tôn thờ Tổ tiên của mình, cùng chọn ngày 10-3 âm lịch hằng năm, hội về Núi Hùng giỗ Tổ. Cũng từ thời cha ông đi mở mang bờ cõi, nhiều tướng lĩnh đi trấn ải biên viễn, vì dặm trường xa xôi, nên được phép vua đã chọn đất lập đền, đình thờ cúng các vị Vua Hùng. Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh: Thái Nguyên có 2 di tích thờ vua Hùng, 1 ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), 1 ở tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Ngoài ra trên địa bàn của tỉnh còn có 45 di tích thờ các thuộc tướng của vua Hùng.

 

Nhân chứng lịch sử, những người dựng lên đình Hùng Vương (Thái Nguyên) đều đã về thiên cổ. Ngay như 2 anh em ông Đỗ Văn Mậu, Đỗ Văn Thân đều đã ngoài tuổi tám mươi, nhưng khi được hỏi, đều bảo: Ngày nhỏ, tôi đã thấy ở đây có đình Hùng Vương rồi. Ngày ấy, chúng tôi nghe các cụ khấn: "… Rằng đây là miếu Hùng Vương/ Mới là thuỷ tổ non thiêng nước nhà…". Tôi không biết xưa kia đây là miếu hay đình, nhưng cả những người ở tuổi mấy nay hiếm, khi được hỏi về đình Hùng Vương thì đều nhận mình là thế hệ hậu sinh, mở mắt chào đời đã thấy ở đây có đình. Ông Nguyễn Văn Thiều, 84 tuổi cho biết thêm: Ngày tôi còn là thanh niên, chúng tôi vẫn rủ nhau ra đình sinh hoạt văn hoá, dạy chữ cho nhau… Sau này đình bị xuống cấp, chúng tôi dựng lại ngôi đình mới làm câu lạc bộ thanh, thiếu niên… Còn ông Nguyễn Đức Lợi và ông Nguyễn Văn Đoan, cùng tuổi ngoài bảy mươi khẳng định: Chúng tôi là người được sinh ra, lớn lên ở đây, từ lúc lẫm chẫm tập đi đã được cụ nội kể chuyện về ngôi đình này.

 

Cùng thời gian và những biến cố chiến tranh, đình bị xuống cấp và được trung tu, tôn tạo lại nhiều lần. Với quan điểm của nhân dân địa phương là lòng thành ở tại tâm, nên từ những năm thập niên ba mươi của thế kỷ trước, khi đình bị nắng, mưa gây hư hại, các cụ Bá Ngận, Cai Đắc, Năm Thực… đã bỏ tiền mua gỗ cho những người thợ mộc từ tỉnh Hà Nam lên làm lại. Đến năm 1990 nhân dân địa phương cùng góp tiền sửa chữa lại đình làm nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng. Trong năm có 4 ngày giỗ là: Giỗ Tổ Hùng vương ngày 10-3, tri ân Trần Hưng Đạo ngày 20-8, giỗ Quốc mẫu Âu Cơ ngày 25-12 âm lịch và tri ân các Anh hùng liệt sĩ ngày 27-7 dương lịch.

 

Từ nhiều năm trước đây, một số hộ đã làm nhà lên phần đất của đình, khiến khu đất dành để thờ vua Hùng bị thu hẹp lại còn 246 m2. Năm 2005, trên diện tích này nhân dân địa phương và du khách thập phương đã cùng nhau quyên góp xây dựng lại ngôi đình theo thiết kế hoàn toàn mới, theo cách tận dụng diện tích: Liền tường phía trước đình là nhà văn hoá dành cho nhân dân các tổ 5, 6, 7, 8, 9 phường Trưng Vương, trước nữa là khoảng sân rộng chừng 100 m2 dành để xe và người dân qua lại. Tuy chật hẹp, nhưng người dân địa phương không lơ là lãng quên ngày giỗ Tổ.

 

Được biết cả tháng nay, UBND phường Trưng Vương, trực tiếp là Ban Quản lí di tích lịch sử văn hoá đình Hùng Vương cùng bà con nhân dân quanh vùng bận rộn chuẩn bị cho các nghi lễ phục vụ ngày giỗ Tổ. Ông Phạm Trần đang cho biết: 12 đoàn rước cờ thần, bát biểu, lệnh bài, chấp kích… có gần 100 người tham gia. Đặc biệt là các kiệu rước vua Lạc Long Quân, kiệu rước 18 bánh chưng, 18 bánh dày tượng trưng cho 18 đời vua Hùng Vương và kiệu rước Chủ tịch Hồ Chí Minh có 4 người khiêng và 4 người cầm dải lụa hồng được mang trang phục theo nghi lễ cổ. Đoàn rước bắt đầu từ UBND phường Trưng Vương, qua đường Hùng Vương, Nha Trang, Bến Tượng rồi rước về đình. Trong nghi lễ trang nghiêm, chủ tế xướng ngôn cảm tạ trời đất, báo công với tiên tổ về những thành quả cháu con đã làm được trong năm; cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hoà, mọi nhà được bình an, hạnh phúc.