Những cơn mưa quý hơn vàng trên đất Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

16:19, 19/04/2011

Những cơn mưa cuối mùa khô, được coi là những cơn mưa quý hơn vàng trong mấy ngày qua đã giải hạn cho hàng chục ngàn ha cây công nghiệp, cây ăn quả tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.  

 

Cơn mưa kéo dài trên diện rộng ở Đồng Nai từ 20h tối 18/4 đến 6h sáng nay (19/4) tuy không lớn nhưng đã làm cho không khí trên địa bàn tỉnh mát dịu trở lại sau những ngày nắng nóng lên đến 35 - 37 độ C, đồng thời giải hạn cho 43.000 ha cao su; hơn 18.000 ha cà phê, hơn 8.000 ha xoài và 4.300 ha sầu riêng... đang bị khô hạn.

 

Do có mưa rào vào những ngày cuối tháng 4 nên mực nước trên sông Đồng Nai, hồ Trị An và các sông, suối khác trong tỉnh có xu hướng lên dần, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong tỉnh bước vào sản xuất vụ hè thu.

 

Cũng trong chiều 18/4, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có trận mưa dông kéo dài trên diện rộng với lượng mưa từ 50 - 60 mm. Đây là trận mưa được coi là quý hơn vàng ở thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn và huyện Cư M'Gar, vùng trọng điểm cây cà phê của tỉnh đang thiếu nước trầm trọng.

 

Trận mưa này cũng làm giảm đáng kể cơn khô hạn kéo dài cho các loại cây trồng trong vụ đông xuân và giảm nguy cơ cháy rừng. Hiện nay thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar có hàng chục ngàn ha cây trồng đang cần nước tưới và đã có hàng trăm ha lúa, cà phê chết khô. Chỉ riêng huyện Cư M’Gar có trên 35.943 ha, thành phố Buôn Ma Thuột có 13.900 ha cà phê đang thiếu nước tưới đợt 3.

 

Trước đó, tại Kon Tum, trận mưa to chiều 16/4 đã xuất hiện trên diện rộng và kéo dài 1 tiếng đồng hồ (từ 16 đến khoảng 17 giờ). Trận mưa mở rộng khắp các vùng trong tỉnh. Lượng mưa đo được ở thành phố Kon Tum là 32mm, tại huyện Đắc Tô khoảng 45mm kèm theo 10 phút mưa đá.

 

Trung tâm Khí tượng thủy văn các tỉnh Đồng Nai và Kon Tum đều cho biết đây là những trận mưa cuối mùa khô. Những ngày cuối tháng 4 này sẽ là thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa nên trong tỉnh có thể xảy ra các trận mưa rào lớn ở các địa phương.

 

Những trận mưa dông này sẽ là nguồn bổ sung nước tưới rất tốt cho cây trồng cũng như các hồ đập đang khô khát sau gần 6 tháng nắng hạn. Tuy nhiên, trong các trận mưa dông sẽ kèm theo mưa đá, dông sét và lốc xoáy nên ngoài việc "đón mưa", người dân cũng nên cảnh giác đối với hiện tượng thời tiết nguy hiểm này.

 

Trước tình hình khô hạn, các địa phương cũng đã có nhiều biện pháp ứng phó như hướng dẫn đồng bào các dân tộc đầu tư nạo vét giếng, hồ đập, khơi thông dòng chảy, điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý, tránh không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các vùng, các hộ gia đình có nương rẫy liền kề.

 

Nhiều nơi như huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có kế hoạch trích ngân sách địa phương hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc mua xăng dầu phục vụ chống hạn.